Thật dễ để một tân binh có thể nhận lương 200.000 bảng/tuần nếu họ đến Manchester United trong vài mùa chuyển nhượng gần đây. Những cái tên được chốt vào những thời khắc cuối của phiên chuyển nhượng luôn dồn Man United vào thế khó, họ buộc phải chi tiền để có người và phải ra mức lương cao nếu muốn đối phương gật đầu.
Thương vụ của Edinson Cavani những ngày qua có nhiều điểm giống với trường hợp của Radamel Falcao năm 2014. Một chân sút từng vang bóng Châu Âu nhưng khi được M.U đặt vấn đề, họ đang có nhiều điểm bất lợi, từ tuổi tác, phong độ cho đến các chấn thương.
Nhưng dù với lý do gì, họ vẫn xuất hiện theo cách hoành tráng tại Man United, được hưởng lương cao, được truyền thông đánh bóng quá đà dù chưa thể hiện được gì tại Old Trafford. 6 năm trước khi quyết vụ Falcao, Ed Woodward đã kí séc và duyệt chi 20 triệu bảng trong nháy mắt. Để giờ đây mỗi khi nghĩ lại hành động đó của Phó Chủ tịch đội bóng, nhiều người đã ví nó chẳng khác nào ném 20 triệu bảng xuống cống.
Man United trải qua 7 năm hậu kỉ nguyên Sir Alex, họ vẫn giữ được sự ồn ào trên bàn chuyển nhượng nhưng chất lượng của các tân binh chưa bao giờ đáp ứng được kì vọng.
Hãy nhìn sang Bayern Munich. "Hùm xám" là một trong những đội kín tiếng nhất trên thị trường chuyển nhượng, mua bán theo phong cách "im lặng là vàng" và thường xuyên có được những bản hợp đồng chất lượng với giá không thể hời hơn.
Gần nhất, nhà vô địch Châu Âu vừa trả cho Marseille 9 triệu bảng để mua Bouna Sarr, 8,1 triệu bảng cho Espanyol để có Marc Roca. Đây là những cái tên không hề có tên tuổi trên bản đồ bóng đá Châu Âu nhưng như hàng loạt thương vụ trước đó, chỉ cần từ 1-2 mùa giải, tất cả có khả năng sẽ biến thành những cầu thủ đắt giá bậc nhất như Serge Gnabry, Leroy Sane, Joshua Kimmich, Alphonso Davies,....
Đội hình Bayern Munich đánh bại PSG ở trận chung kết Champions League mùa trước có tổng giá trị chuyển nhượng khoảng 200 triệu bảng. Bằng đó tiền chỉ mua được Harry Maguire và Paul Pogba của M.U - 2 nhân tố góp mặt trong thất bại tủi hổ 1-6 trước Tottenham tuần trước.
Quan điểm của những nhà làm bóng đá Đức cho rằng, Premier League có kiểu hoạch định giá trị hình ảnh theo cách điên rồ, cụ thể là tổng tiền bản quyền truyền hình lên tới 5,1 tỉ bảng. Tác giả Jorg Jakob của tờ Kicker nói, người Đức luôn thấy sự hào nhoáng được thổi phồng quá đà khi nghĩ về Premier League.
Khác biệt lớn nhất của Bayern và M.U là tư tưởng của những nhà hoạch định chính sách tài chính. "Hùm xám" có Hasan Salihamidžić, Uli Hoeness và Oliver Kahn, những người sẽ kế nhiệm Karl-Heinz Rummenigge cho vai trò CEO. Điều này giúp Bayern có tính kế thừa về tư duy phát triển đội bóng.
Đó là lý do tại sao trong nhiều năm qua dù "nổ bom" rất ít nhưng Bayern luôn giữ vững được vị thế.