Có một chiều cuối tuần, anh lái xe đưa vợ đi khám bệnh, sau hai tuần chị bị cảm sốt kéo dài, uống đủ loại thuốc vẫn không khỏi bệnh. Lúc rời phòng khám về nhà, ngang qua một hồ nước mênh mông, hoàng hôn tím hồng sẫm một góc trời khiến vợ anh bật tiếng suýt soa “Đẹp quá ba ơi!”. Chị ước giá chồng dừng xe cho mình xuống chụp lại cảnh đẹp này bằng điện thoại thì hay quá, hoặc thích nhất là chị có thể nhờ anh chụp ảnh trước cảnh hoàng hôn kia. Chỉ 2 phút thôi chứ mấy. Vậy mà chị không dám bày tỏ, sợ làm phiền chồng, vì biết rõ anh (hay đàn ông nói chung) khó bị cuốn hút bởi một cảnh đẹp vớ vẩn để dừng xe, móc điện thoại ra chụp ảnh giữa đường như các bà, các cô sến sẩm. Vài lần tương tự, anh đã cằn nhằn vợ khi chị muốn chồng dừng xe dọc đường để chụp ảnh. Anh hay cau có, nào là không an toàn, dễ bị tai nạn, bị cướp điện thoại. Hơn nữa, chị đang lên cơn sốt 40 độ thế này, dễ gì chồng chị đồng ý. Chị tiếc rẻ thở dài, không nói gì, rồi hết sức ngạc nhiên khi chồng chị bỗng chạy xe chậm lại và cập sát lề đường: “Em xuống chụp ảnh đi, anh đợi”.
Chị ngạc nhiên quá, sao anh lại chiều chị một điều “vớ vẩn” thế? À, hay hôm nay là ngày Valentine? Chị vui quá, cơn sốt bừng bừng như giảm bớt. Chị mở cửa xe chạy sang bên kia đường, chụp lia lịa nhiều kiểu ảnh, như sợ không kịp níu giữ hoàng hôn đang buông rất nhanh. Biết có còn gặp lại khoảnh khắc chiều đẹp như mơ này?...
Chị không hề biết, khi chị bước ra khỏi xe, vui sướng tung tăng chụp ảnh cảnh hoàng hôn rồi selfie với một nụ cười rạng rỡ thì chồng chị gục đầu xuống vô lăng, gạt nhanh giọt nước mắt lặng lẽ rơi trên má. Chị cũng không biết rằng, vị bác sĩ quen thân khi tiễn anh chị ở phòng khám, đã ghé tai anh thì thầm: “Chăm sóc chị anh nhé. Thứ hai anh đưa chị trở lại làm sinh thiết lần nữa, để chắc chắn...”.
Một nỗi bàng hoàng dâng tràn trong anh. Nỗi hối hận mình đã ít quan tâm, gần gũi vợ, ít dành thời gian cho gia đình đã khiến lòng anh cuộn sóng dằn vặt. Anh cảm thấy cay đắng, thấy mình đã đánh mất điều quý giá nhất trong cuộc đời là chia sẻ, thưởng thức trọn vẹn hạnh phúc gia đình với người bạn đời yêu dấu, để lao theo tiền tài, danh vọng. Anh mong có phép màu xảy ra, anh sẵn sàng đánh đổi tất cả, kể cả những gì anh đã rất vất vả, khó nhọc để có được, miễn là vợ anh khoẻ mạnh, bình yên.
Một tuần sau đó, anh và vợ trở lại phòng khám của bạn với tập hồ sơ dày những kết quả xét nghiệm, sinh thiết ở hai bệnh viện. Anh bồn chồn đi lại trước cửa phòng khám trong khi bạn anh xem kết quả chẩn đoán bệnh của vợ anh. Không ai cho chị biết tình trạng “nghi bệnh hiểm nghèo” của chị. Nhìn vợ ngồi ở ghế đá cạnh bồn hoa vừa lướt mạng vừa mỉm cười vui vẻ, thỉnh thoảng lại nói chuyện điện thoại với con bằng giọng ngọt ngào, âu yếm, anh chớp chớp mắt, đặt tay lên phía trái lồng ngực để trấn an mình. Anh cầu mong…
Người bạn bác sĩ mặt nghiêm trọng vẫy anh vào phòng. Toàn thân anh bủn rủn, tê dại. Người bạn kéo ghế cho anh ngồi rồi nghiêm giọng: “Ông phải thay đổi lối sống, quan tâm đến vợ nhiều hơn nghe. Bớt bạn bè, nhậu nhẹt tào lao, dành thời gian cho gia đình…”. “Sao rồi?”, anh thều thào hỏi bạn. Người bạn bác sĩ chợt mỉm cười, mặt dãn ra: “Chúc mừng hai vợ chồng nghe, chỉ là khối u lành, không phải ung thư!”. Trong cả cuộc đời, anh chưa bao giờ nghe được lời kỳ diệu như thế. Anh hét lên vui mừng, ôm vai bạn lắc lắc và chạy ra ôm choàng lấy vợ, mặc chị ngạc nhiên “Anh khùng hả?”. Ừ, anh khùng thật, một kẻ khùng sung sướng. Trên đường lái xe về nhà, anh mở một bản nhạc êm dịu “Ngày mai là một ngày khác”. Anh nhận ra, rất lâu rồi anh không cùng vợ thưởng thức những bài hát hai người cùng yêu thích. Phải rồi, ngày mai sẽ là một ngày khác, anh tự nhủ.