Hôm rồi, tôi đọc được tin một học sinh lớp 5 (Trường tiểu học K., TPHCM), bị một thanh niên lạ mặt vào tận nhà vệ sinh của trường đưa cho em cây kẹo singum rồi dụ đưa ra khỏi trường. Đi được một đoạn em tỉnh, nhận ra mình bị dụ dỗ, đã nhảy xuống đường kêu cứu. Sau ba giờ tìm kiếm trong hoảng loạn, mẹ em đã ôm chặt con gào khóc…
Chiều đón hai con tan trường, tôi kể chuyện rồi dặn con trai nhỏ: “Ai cho gì con đừng ăn, dụ đưa đi đâu đó đừng theo. Con ngoan ngoãn “Dạ, mẹ đừng lo. Ai cho kẹo Lân không ăn đâu, nhưng...cho bánh thì sao hả mẹ?”. Luôn để mắt đến con, thậm chí theo con vào tận... nhà vệ sinh nam, đứng chờ bên ngoài, tôi luôn bị nó cằn nhằn “Con lớn rồi, con phải đi nhà vệ sinh nam, mẹ đứng ngoài kia chờ đi, theo con chi, người ta cười cho”.
Trên đường chở con đến trường, ngang qua một vụ tai nạn giao thông giữa xe buýt và xe máy làm một học sinh lớp 6 tử vong khi em ngồi phía sau xe mẹ, văng xuống đường... Người mẹ như mất hồn ngồi giữa đường gào khóc bên xác con. Bà mẹ ấy sẽ sống thế nào đến cuối đời?
Chiều đi đón con, tôi lái xe thật chậm, thật cẩn thận so với thường ngày. Nào ai biết, nhanh hay chậm, hay cẩn thận… có tránh được rủi ro hay không khi đang ngồi bên đường, đang ngủ trong nhà cũng chết vì tai nạn giao thông? Đã hứa hè này sẽ mua xe đạp điện cho con trai lớn 14 tuổi tập đi, để năm học mới con tự đi học vì mẹ ngày càng khó khăn khi chở hai đứa con tuổi teen trên xe máy. Tối, tôi nói với con trai lớn: Thôi, mẹ không dám để con tự đi xe điện đến trường nữa, vì tình hình giao thông ngày càng hỗn loạn, kẹt xe, đi ẩu. Rủi có bề gì mẹ sống sao nổi. Con trai tôi nhìn mẹ thản nhiên hỏi: “Thế mẹ định chở con đi học đến hết đại học luôn hả mẹ?”. Ừ, mẹ sẽ chở con đến bao giờ nhỉ?
Đưa con đi bơi, ngồi trên bờ lướt mạng, đọc được tin một học sinh lớp 6 thiệt mạng trong một buổi học bơi, tôi bủn rủn chân tay. Mẹ em đưa con đến hồ bơi rồi ngồi chờ cho đến khi nghe tiếng nhốn nháo, la hét mới biết con mình đã qua đời vì ngạt nước. Tôi lo lắng nhắc con: “Mẹ đã cho hai đứa học bơi ếch, tuần tới, hai đứa tiếp tục đi học bơi sải…cho mẹ nha”. Con học bơi mà tôi ngồi trên bờ nhìn chăm chắm từng đứa, có lúc đứng vọt dậy, hốt hoảng khi không thấy… con đâu giữa đám trẻ khoa tay, đạp chân loạn xạ. Rồi như sống lại khi thấy nó nhô đầu lên trước mặt cười toe toét “Con… lặn chút mà”. Đau tim.
Cuộc sống ngày càng rủi ro, bất an. Chúng ta không thể úm, giữ con trong vòng tay mình cả ngày. Cho con đến trường học văn hóa, chúng ta còn phải dành thời gian gần gũi, chỉ dẫn con cách đề phòng rủi ro, cách xử lý những tình huống hiểm nguy từ thực tế, ngăn chặn trước những hiểm họa, nguy cơ có thể xảy ra với trẻ. Trang bị kỹ năng sống cho con, chính cha mẹ phải tự trang bị kiến thức, kinh nghiệm sống và thay đổi nhận thức của mình về mọi vấn đề, để có cách truyền thông, tác động đến trẻ hiệu quả. Đó cũng là phương cách bảo vệ con tốt nhất.