Trao đổi với PV Lao Động, đại diện lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Ninh Bình cho biết: Thực tế năm nào cũng vậy, càng về cuối năm thì các địa phương tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nhiều hơn so với thời điểm đầu và giữa năm.
Nguyên nhân chính là do việc hoàn thiện thủ tục để đưa ra đấu giá mất rất nhiều thời gian, bên cạnh đó là phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng xong mới được tổ chức đấu giá.
Chính vì vậy, thông thường đầu năm các địa phương sẽ lập kế hoạch sử dụng đất trình UBND tỉnh phê duyệt sau đó hoàn thiện các thủ tục và đến cuối năm các địa phương mới tổ chức đấu giá được.
Riêng năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các địa phương phải triển khai các biện pháp phòng dịch nên không tổ chức các cuộc đấu giá đất được nên dồn đến cuối năm.
Bên cạnh đó, đấu giá đất cũng là một nguồn để hoàn thành việc thu ngân sách tại các địa phương nên dịp cuối năm các địa phương phải khẩn trương tổ chức đấu giá để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách và lấy nguồn để các trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản.
"Năm 2021, tỉnh Ninh Bình được giao chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước là trên 18,6 nghìn tỉ đồng, trong đó thu từ đấu giá quyền sử dụng đất là 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 31.10, thu ngân sách từ việc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình mới chỉ đạt trên 786 tỉ đồng đạt 79% so với dự toán được giao" - đại diện Cục Thuế tỉnh Ninh Bình cho biết.
Được biết, chỉ tính riêng từ đầu tháng 10.2021 đến nay, UBND tỉnh Ninh Bình đã liên tiếp ban hành 13 quyết định về việc phê duyệt giá khởi điểm để các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai đấu giá quyền sử dụng đối với 1.057 lô đất ở. Trong số này, hầu hết là diện tích đất nông nghiệp thu hồi của các hộ dân.