Thiết kế phù hợp cho gia đình
Nếu gia đình bạn có người già và trẻ nhỏ, việc lựa chọn những thiết kế phù hợp rất quan trọng. Thực tế từng xảy ra nhiều tai nạn đáng tiếc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như ngã gãy tay, chân khi sử dụng nhà tắm... Khi thiết kế nhà tắm cho người lớn tuổi hoặc trẻ em, cần chú ý những điểm sau:
Cửa nhà tắm nên chọn loại có thể mở dễ dàng, có thể là tay nắm cửa gạt, có thể mở từ bên ngoài, có ô kính cho phép quan sát hoặc tháo bỏ khóa cửa để kịp thời trợ giúp trong trường hợp khẩn cấp.
Sàn nhà tắm cũng nên lựa chọn loại không trơn trượt, nên có màu tương phản, ví dụ tường hoặc sàn tương phản với thiết bị vệ sinh, để tránh nhầm lẫn cho người cao tuổi bị giảm thị lực.
Bạn cũng có thể thiết kế thêm thanh đỡ giúp người cao tuổi duy trì thăng bằng, tránh ngã do trơn trượt. Với những người có thị lực kém thì thanh đỡ còn định hướng cho những người này có thể đến với khu vực tắm hoặc vệ sinh.
Ngoài ra, không nên thiết kế có rào chắn để tránh vấp ngã hoặc làm gián đoạn khi người cao tuổi di chuyển.
Thông gió và ánh sáng
Khi thiết kế phòng tắm, hãy chú ý đến ánh sáng và thông gió. Phòng tắm không đủ ánh sáng, tăm tối, u ám, ẩm ướt sẽ gây cảm giác bức bối, khó chịu, tạo môi trường cho vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Với Việt Nam, khí hậu nhiệt đới gió mùa, thường xuyên xuất hiện nồm, ẩm, hệ thống thông gió rất cần thiết. Đặc biệt những gia đình có người lớn tuổi, gia chủ chú ý bố trí ánh sáng trên đường dẫn đến phòng tắm, công tắc đèn lắp ở vị trí phù hợp, vừa tầm với, đảm bảo an toàn, ngăn ngừa té ngã, chấn thương.
Thiết kế khu vực đôi
Một trong những lưu ý quan trọng khi thiết kế phòng tắm là thiết kế khu vực đôi nếu diện tích đủ lớn. Ví dụ, bồn rửa mặt đôi cho phép hai người đánh răng, rửa mặt cùng lúc. Khu vực đôi không chỉ hữu ích trong phòng tắm của các cặp vợ chồng - chúng còn tiện lợi phục vụ việc vệ sinh buổi sáng cho các thành viên trong gia đình.
Việc bố trí hai vị trí rửa mặt giúp các thành viên trong gia đình thuận tiện vệ sinh cá nhân.
Thiết kế không gian lưu trữ
Nếu gia đình bạn có nhiều khăn, sữa tắm, dầu gội... đừng bỏ phí không gian. Hãy xem xét đến việc sử dụng khoảng không dưới chân bồn rửa để lưu trữ khăn bằng việc bố trí các loại kệ ở phía dưới.
Gia chủ có thể tạo vách ngăn trong các bức tường, thiết kế tủ ngầm, biến vị trí quanh bồn tắm và bệ cửa sổ biến thành các không gian lưu trữ. Ngoài ra, bạn có thể bố trí kệ liền dưới chân bồn rửa mặt giúp lưu trữ đồ chơi cho trẻ trong quá trình tắm.