Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện
Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định người khởi kiện cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, gồm:
- Đơn khởi kiện theo mẫu;
- Căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân;
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện và các giấy tờ liên quan đến vụ án như: Giấy chứng tử của người để lại di sản, bản kê khai các di sản, di chúc (nếu có), giấy tờ về nhà đất, giấy tờ chứng minh mối quan hệ giữa người để lại di sản với người thừa kế,…
Bước 2: Nộp và thụ lý
Hình thức nộp đơn
Người khởi kiện nộp đơn đến Tòa án bằng một trong các hình thức sau:
- Nộp trực tiếp tại Tòa;
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính (gửi qua bưu điện);
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Tiếp nhận và thụ lý
Thẩm phán dự tính tiền tạm ứng án phí phải nộp, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa thì người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí tại cơ quan thi hành án dân sự (xem trong giấy báo nếu có), sau khi nộp xong thì nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.
Sau khi nhận được biên lai, Thẩm phán thụ lý vụ án và ghi vào sổ thụ lý.
Bước 3: Chuẩn bị xét xử sơ thẩm
Theo Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm không quá 04 tháng, vụ án phức tạp được gia hạn một lần không quá 02 tháng.
Bước 4: Xét xử sơ thẩm
Nếu vụ án không thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ thì Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử.
Sau khi xét xử có thể xảy ra một số trường hợp như: Kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Nếu không có kháng cáo, kháng nghị hoặc giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì bản án sẽ có hiệu lực. Ngay cả khi bản án có hiệu lực thì không phải trường hợp nào người thua kiện cũng tự nguyện chấp hành mà phải yêu cầu thi hành án.