Giới chuyên gia đánh giá cao
Với 85,63% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội vừa thông qua dự án Luật Nhà ở sửa đổi.
Đánh giá tổng thể về việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở 2023, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) - Lê Hoàng Châu cho rằng, đây là thông tin tốt phù hợp thực tiễn, bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật và có thể nhận xét là Luật Nhà ở 2023 có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua.
Theo ông Tô Anh Hùng - Giám đốc chiến lược Công ty TNHH Nhà Ở Ngay Việt Nam, Luật Nhà ở mới đã thể hiện tính đồng bộ về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội: "Thứ nhất đó là bổ sung các đối tượng được hỗ trợ. Thứ hai, giải quyết các vấn đề vướng mắc. Ví dụ như trước đây, nếu như chúng ta gặp vướng mắc liên quan đến điều kiện cư trú thì đã bãi bỏ quy định về điều kiện cư trú. Tiếp theo là quy định rõ ràng hơn về quỹ đất để phát triển được nhà ở xã hội".
Còn những quy định cần xem xét thêm
Được đánh giá có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua, Luật Nhà ở sửa đổi vẫn nhận được một số ý kiến đóng góp từ giới chuyên gia. Chia sẻ với PV Lao Động, Chủ tịch HoREA nhận định rằng bên cạnh mặt tích cực thì vẫn còn một số quy định cần được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cân nhắc xem xét, có thể nên được “thêm, bớt đôi chút” hoặc bổ sung khi có điều kiện.
Cụ thể, Điểm c khoản 8 Điều 3 Luật Nhà ở 2023 về “các hành vi bị nghiêm cấm” quy định sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở” không phù hợp thực tế và cũng không cấm được hoạt động cho thuê nhà, cho thuê căn hộ chung cư dạng “kinh doanh lưu trú du lịch” theo ngày, ngắn ngày, theo giờ áp dụng công nghệ theo ứng dụng “chia sẻ phòng thuê (Airbnb)” đang được sử dụng rất phổ biến ở nước ta và trên thế giới, nên quy định “nghiêm cấm” này khó thực thi trên thực tế mà nên quản lý chặt chẽ thì tốt hơn.
Bên cạnh đó ông Lê Hoàng Châu cho rằng có bất cập về phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở 2023 do Điều 58 Luật Nhà ở 2023 không còn quy định sở hữu nhà ở có thời hạn (không phải là sở hữu nhà chung cư có thời hạn) theo thời hạn sử dụng đất hoặc theo giao kết, thỏa thuận của hợp đồng mua bán nhà ở có thời hạn như khoản 2 Điều 9 Luật Nhà ở 2014 đã quy định trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này thì bên mua nhà ở được cấp Giấy chứng nhận trong thời hạn sở hữu nhà ở.
Khi hết hạn sở hữu nhà ở theo thỏa thuận thì quyền sở hữu nhà ở được chuyển lại cho chủ sở hữu lần đầu; việc cấp Giấy chứng nhận cho bên mua nhà ở và xử lý Giấy chứng nhận khi hết hạn sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của Chính phủ và tại khoản 1 Điều 123 Luật Nhà ở 2014 quy định các bên có thể thỏa thuận về việc bên bán thực hiện bán nhà ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở gắn với nhà ở đó trong một thời hạn nhất định cho bên mua theo quy định của Chính phủ.