Nhà đầu tư vẫn rất lạc quan
Là một nhà đầu tư nhỏ lẻ, anh Phạm Văn Thiệu ở phường Tây Mỗ, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, đầu năm 2022, anh có mua 2 mảnh đất tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và huyện Kim Bôi (Hòa Bình). Ngay sau khi anh hoàn thành giao dịch đến nửa cuối năm 2022 thị trường bất động sản trầm lắng nên chưa "thoát" được.
Tuy nhiên anh Thiệu vẫn tỏ ra lạc quan, nguồn tiền anh mua đất chủ yếu là vốn tự có và huy động từ gia đình bạn bè. Do đó, thị trường có trầm lắng thời gian ngắn không có gì đáng lo ngại.
Ngay sau Tết Nguyên đán, anh vẫn tiếp tục huy động tiền từ gia đình, bạn bè để “bắt đáy” thị trường bất động sản. Anh Thiệu hy vọng, thị trường bất động sản sẽ phục hồi mạnh mẽ trở về đúng giá trị vốn có trong năm 2023.
Còn ông Hà Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tài Anh chia sẻ, thời điểm thị trường bất động sản chậm lại như thời gian qua lại là cơ hội cho các cơ sở làm ăn uy tín. Độ trễ của thị trường đã góp phần thanh lọc các yếu tố bong bóng bất động sản. Những nhà đầu tư ảo, thổi giá đất sẽ khó trụ lại trong bối cảnh thị trường này. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp, bền vững có cơ hội điều chỉnh tích lũy chờ cơ hội phát triển.
Ông Hà Tuấn Anh cũng bày tỏ hy vọng, trong năm 2023, thị trường bất động sản sẽ phát triển theo chiều sâu góp phần vào phát triển kinh tế xã hội.
Tin tưởng sự điều chỉnh của Nhà nước
Theo báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam năm 2022 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đã bước qua năm 2022 với dấu hiệu phục hồi rõ nét sau đợt tàn phá của dịch bệnh COVID-19. GDP năm 2022 tăng trưởng hơn 8%, là mức tăng trưởng cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Trong bối cảnh nền kinh tế nêu trên, thị trường bất động sản Việt Nam năm 2022 đã diễn biến với 2 “gam màu" khác biệt “đầu năm bùng nổ, cuối năm trầm lắng”.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Các công ty còn hoạt động trong lĩnh vực này phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự hoặc một nhân sự kiêm 2 đến 3 công việc để có thể sinh tồn. Thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 60-70% lượng nhân sự và cắt giảm lương, nhiều công ty buộc phải cho nhân viên nghỉ Tết sớm.
Tuy nhiên, theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường ngưng trệ, trầm lắng, yếu giao dịch không phải do thực chất thị trường xấu mà do có quá nhiều điểm đã tạo ra sự cưỡng bức, buộc thị trường phải rơi vào trạng thái khó khăn. Nhìn chung, thị trường bất động sản đang trong trạng thái bình thường, nhưng bị bắt phải “giảm ăn, giảm oxy để thở và giảm bơm máu”.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, thời gian tới, Nhà nước sẽ tiếp tục có những giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, thị trường sẽ dần ấm lên và hoạt động ổn định.
Nguồn cung trong tương lai từ một lượng lớn các dự án giá trị ước đạt khoảng 30 tỉ USD được các doanh nghiệp đầu tư trên cả nước, đặc biệt là các dự án phù hợp với nhu cầu như nhà ở bình dân, nhà ở xã hội,... sẽ dần được đưa vào thị trường ngay khi các chính sách vĩ mô được điều chỉnh.
Tính chung cả năm 2022, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, tương đương 90% tổng lượng sản phẩm chào bán mới năm 2021 - thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và chỉ bằng 28% so với năm 2018 (180.000 sản phẩm).
Về tỉ lệ tiêu thụ, toàn thị trường năm 2022 chỉ đạt khoảng 39%, tương đương với 19.000 giao dịch thành công, bằng 69% lượng tiêu thụ năm 2021 và chỉ bằng 17% lượng giao dịch của năm 2018. Riêng quý IV, tỉ lệ hấp thụ chỉ đạt mức 14%.
Tuy nhiên, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tin tưởng với sự điều chỉnh của Nhà nước, thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên trong năm 2023.