UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo về tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo, đến nay, UBND các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển Quỹ đất Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 33 dự án với tổng diện tích khoảng 5,87 ha (là diện tích đất ở, không bao gồm đất xây dựng hạ tầng), số tiền trúng đấu giá khoảng 1.955,95 tỉ đồng.
Đến thời điểm hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiếp nhận 11 hồ sơ xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo báo cáo, công tác xác định giá khởi điểm (phải thuê tư vấn xác định giá) còn chậm, nhiều nội dung vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
TP.Hà Nội cũng nêu rõ, các đơn vị được giao chủ đầu tư thực hiện dự án đấu giá quyền sử dụng đất còn thiếu tính chủ động trong việc thực hiện các quy trình thủ tục: từ khâu thiết lập hồ sơ quy hoạch, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư...
Cùng với đó, thời gian qua, có vụ việc đấu giá còn nhiều tồn tại nên các đơn vị tham gia thực hiện có tâm lý e ngại dẫn đến việc chậm thực hiện các thủ tục: Các đơn vị tư vấn lập chứng thư xác định giá khởi điểm chậm; chậm thẩm định, quyết định phê duyệt giá khởi điểm; các quận, huyện, thị xã tổ chức đấu giá thận trọng, cầu toàn nên chậm tiến độ thực hiện….
Quá trình tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất còn có sai sót, dẫn đến có chỗ, có nơi phải huỷ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Về nguyên nhân, UBND thành phố Hà Nội cho biết, pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai còn nhiều nội dung chưa đồng bộ, thống nhất, dẫn đến khó khăn trong thực hiện như chưa quy định rõ việc thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất thuộc trường hợp thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; việc ứng vốn giải phóng mặt bằng thực hiện theo Luật Đầu tư công, Luật Đất đai không đồng nhất…
Đáng chú ý, trên địa bàn, các công ty tư vấn thẩm định giá đều e ngại hoặc từ chối tham gia xác định giá đất (khởi điểm) vì sợ rủi ro liên quan đến pháp luật.
Cùng với đó, phương pháp xác định giá cụ thể (giá khởi điểm đấu giá) phải thu thập nhiều thông tin tài sản so sánh, tuy nhiên, thị trường giao dịch bất động sản chưa minh bạch, giao dịch bất động sản không quy định phải qua ngân hàng và chưa có quy định cụ thể về quản lý giá chuyển nhượng bất động sản, nên giá giao dịch thực chưa thể hiện đầy đủ tại các hợp đồng mua bán.
Ngoài ra, nhiều loại đất, khu vực không có thông tin chuyển nhượng quyền sử dụng đất, việc điều chỉnh sự khác biệt giữa tài sản so sánh, nhiều chỉ tiêu tính toán chi phí phát triển chưa được hướng dẫn chi tiết cụ thể…
Trước đó, vào đầu tháng 11.2021, Công an Hà Nội đã khởi tố, tạm giam 8 bị can trong đó có Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Y dược Vimedimex về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản".
Theo điều tra ban đầu, Công ty thẩm định giá thông đồng với cán bộ Ban quản lý dự án để can thiệp điều chỉnh giá trên chứng thư thẩm định. Các công ty đấu giá thì thông đồng dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá.
Kết quả điều tra ban đầu xác định tháng 8.2020, Ban quản lý dự án huyện Đông Anh tổ chức đấu giá khu đất rộng 5ha ở xã Cổ Dương. Ban đầu Công ty thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định khu đất này có giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỉ đồng. Tuy nhiên, Nguyễn Thị Loan đã thông đồng với cán bộ của Ban quản lý cùng với các bị can thuộc công ty thẩm định giá can thiệp để điều chỉnh trị giá khu đất xuống thấp hơn giá trị thực.
Cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can đã gây thiệt hại tài sản nhà nước khoảng 200 tỉ đồng.