Mới đây, Báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh về tình trạng trục lợi nhà ở xã hội. Đặc biệt, tại Hà Nội, ghi nhận của PV cho thấy nhiều người đủ điều kiện vẫn không thể mua được nhà ở xã hội, thì không ít người có được suất mua hay thuê căn hộ lại chuyển nhượng cho bên thứ ba với lý do “không có nhu cầu”, dù không được phép.
Thậm chí qua kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhà ở xã hội, Sở Xây dựng TP.Hà Nội và UBND các quận, huyện đã phát hiện và xử lý một số trường hợp các đối tượng mua, thuê nhà ở xã hội sử dụng không đúng mục đích như: Cải tạo đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích, cho ở nhờ, cho thuê lại hoặc không sử dụng.
Ngoài ra, nhiều trường hợp mua nhưng không ở. Cụ thể dự án nhà ở xã hội tại ngõ 622 phố Minh Khai có 57 trường hợp không sử dụng; khu nhà ở xã hội tại ô đất CC-1 khu đô thị Quốc Oai có 65 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 2 có 158 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 1 có 200 trường hợp...
Thực tế, không phải ai mua nhà ở xã hội cũng là người có thu nhập thấp và cần chỗ ở. Trong vai người có nhu cầu tìm kiếm nhà ở, PV đã có tìm hiểu thực tế thị trường nhà ở xã hội quanh Hà Nội. Một thao tác rất đơn giản, chỉ cần quan tâm đến dự án nhà ở xã hội nào thì gõ trên mạng để tìm kiếm sẽ ra rất nhiều thông tin từ dự án đến cụ thể số tiền, căn hộ… đều đầy đủ, chi tiết. Kèm theo đó là các số điện thoại của môi giới thậm chí là chính chủ để được tư vấn mua nhà.

Trước tình trạng này, Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản về việc thực hiện chuyên đề “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2025”.
Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố bảo đảm công tác xét duyệt đúng đối tượng và đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, trình tự thủ tục theo quy định.
Sau khi ký hợp đồng bán, cho thuê nhà ở xã hội, chủ đầu tư có trách nhiệm lập đầy đủ danh sách các hộ gia đình, cá nhân đã ký hợp đồng tại dự án, có dán ảnh các thành viên trong hộ gia đình.
Đồng thời ban hành quy chế phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương, đơn vị quản lý vận hành, công an theo dõi địa bàn về nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng đối với các hộ dân sinh sống trong nhà chung cư để tổ chức kiểm tra, theo dõi.
Trước đó, UBND TP.Hà Nội cũng đã ban hành chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2025".