Bán trà đá kiêm luôn "cò đất"
Để khảo sát giá đất tại một số vị trí thuộc quy hoạch, PV tìm đến khu đất thuộc địa bàn xã Xuân Canh (Đông Anh) và phường Tứ Liên (Tây Hồ). Nghỉ chân tại một quán trà đá thuộc phường Tứ Liên, không khí bàn luận về việc mua - bán đất diễn ra sôi nổi.
Khi biết PV có nhu cầu mua đất, anh Hùng - một chủ quán cho biết có thể giới thiệu nhiều mảnh đất đáp ứng mọi nhu cầu của người mua: "Đất thì nhiều, quan trọng thích mảnh kiểu như nào, to nhỏ ra sao, tầm tiền thế nào? Nói chung cứ nói nhu cầu sẽ có hết nhưng phải "làm luật" nhé vì đất ở đây chỉ là "rau xanh" thôi".
Đất "rau xanh" là cách nói nôm na giữa cò đất và người tìm mua, theo anh Hùng, loại đất này là đất phần trăm, trước kia do hợp tác xã trích tỉ lệ phần trăm (5%) quỹ đất hợp tác xã hoặc các hộ dân sau khi đưa đất vào hợp tác xã thì được giữ lại 5% tự chủ phát triển kinh tế như trồng rau, hoa màu.
Theo tìm hiểu của PV, việc sử dụng quỹ đất phần trăm ở từng địa phương thì người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng quy hoạch và mục đích sử dụng đất đã quy định.
Trên đường dẫn PV đi xem đất, anh Hùng cho biết thêm, sau thông tin Hà Nội quy hoạch 2 bờ sông Hồng, hầu hết các mảnh đất đều tăng từ 9-12 triệu đồng/m2 lên đến 18-25 triệu đồng/m2.
Còn theo bà Nga - một chủ quán nước khác chia sẻ, những ngày gần đây ngoài công việc bán nước, bà cũng kiêm luôn nghề môi giới: "Ngày nào mà chẳng có người hỏi, thích mảnh kiểu nào tầm bao nhiêu m2 là tôi gọi luôn cho, đến tận nơi xem luôn".
Giá đất "nhảy múa" theo ngày
Khác với Tứ Liên - Tây Hồ, nhiều mảnh đất tại Xuân Canh (xã Xuân Canh, Đông Anh) những ngày này đang được "hét" với mức giá khó tin.
Có những mảnh được "cò đất" hét giá lên 40 đến 50 triệu đồng/m2. Nguyên do được cho là bởi đất ở đây "đắc địa hơn và có giấy tờ rõ ràng".
Bà Bích - một người môi giới đất tại Xuân Canh cho biết, giá đất những ngày này tăng chóng mặt và còn lên cao hơn nữa, khuyên PV nên mua ngay:
"Đất Xuân Canh mà có tiền mua để đấy cũng tốt, mà để kinh doanh thì quá tuyệt vời. Khoảng vài tuần trước giá đất chỉ khoảng 10-12 triệu/m2, thì nay giá đất đã lên tới 40 đến 50 triệu đồng/m2. Hơn thế, với các mảnh đất mặt đường thậm chí còn lên tới 100-120 triệu đồng/m2. Mai kia nó thành khu du lịch ở bờ sông càng đẹp, không biết giá còn lên bao nhiêu.
Nếu có quy hoạch, đây là những khu vực sầm uất, nhiều tiềm năng phát triển. Vì thế, giá đất sẽ tăng gấp đôi trong thời gian tới, anh không mua thời điểm này, ít nữa cũng không thể mua được".
Chưa để PV suy nghĩ, bà Bích nói thêm: “Tôi vừa bán 1 lô đất 50m2 xã Vân Canh giá 35 triệu đồng/m2, vừa mua xong đã có khách cọc với giá 40 triệu đồng/m2. Anh mua bây giờ còn rẻ, sau quy hoạch xong xuôi thì giá gấp đôi là bình thường".
Không chỉ những người môi giới, khi mua nước tại một cửa hàng tạp hóa và nói bâng quơ về việc mua đất, chủ cửa hàng cũng khẳng định thị trường đất nền khu vực này "như chợ rau" và "phải mua ngay":
Người ta qua đường còn phải đứng lại chụp ảnh nườm nượp. Bây giờ mua đất đông như chợ rau. Thích phải mua ngay. Nhà tôi cả nhà làm đất khắp cái khu này, chỗ nào hình dạng như nào tôi rõ hết".
Nhìn lại thực tế, đây không phải lần đầu giá đất Hà Nội "nhảy múa" liên quan đến vấn đề quy hoạch. Từ việc các huyện lên quận, đến thông tin Hòa Lạc trở thành đô thị vệ tinh có quy mô lớn nhất Thủ đô.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, trước khi mua đất nền, nhà đầu tư cần tìm hiểu thông tin về mảnh đất như vị trí, pháp lý, quy hoạch khu vực, hạ tầng... Tránh mua đất chưa có sổ đỏ hoặc đất sổ chung.
Nên chọn mua đất có giấy chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp để tránh tranh chấp và dễ dàng hơn trong việc đền bù nếu đất bị thu hồi. So sánh diện tích đất thực với diện tích đất trong sổ đỏ để đảm bảo không có sự chênh lệch. Nghiên cứu kỹ hợp đồng mua bán đất (các điều khoản, thỏa thuận…) trước khi "xuống tiền".