Ghi nhận của PV Lao Động ngày 12.9, nhiều tuyến phố lớn tại TP Hà Nội như Cầu Giấy, Chùa Bộc, Hàng Bông... giá cho thuê cửa hàng ở mức cao.
Chị Lê Thị Linh (SN 1990, cho thuê mặt bằng trên phố Hàng Bông, Hà Nội) chia sẻ, những tháng vừa qua chị cũng đang ráo riết tìm người thuê lại mặt bằng kinh doanh.
Cũng theo chị Linh, trước đây giá thuê mặt bằng tại đây dao động từ 45 - 120 triệu đồng/tháng. Chị Linh cũng sẵn sàng đưa ra nhiều phương án ưu đãi cho khách thuê như giảm giá mặt bằng, chấp nhận thu tiền theo tháng cho đến khi tình hình kinh doanh của người thuê khởi sắc, nhưng hiện tại, mặt bằng vẫn vắng bóng khách thuê.
Cũng vừa chuyển mặt bằng kinh doanh vào trong ngõ hẻm, chị Lê Thị Hà (kinh doanh ở ngõ 67 phố Đỗ Quang, quận Cầu Giấy) - cho biết, trước kia chị từng thuê mặt bằng trên phố Trần Thái Tông để kinh doanh thời trang quần áo với mức 30 triệu đồng/tháng. Do lượng khách mua giảm dần nên hồi tháng 6.2023, chị Hà phải chuyển mặt bằng, thuê địa điểm kinh doanh ở ngõ Đỗ Quang với mức giá chỉ khoảng 18 triệu đồng/tháng.
"Với mức giá thuê rẻ hơn khoảng 20 - 30%, mặt bằng kinh doanh trong ngõ có nhiều ưu điểm, thuận tiện như mặt bằng rộng rãi, có nơi đỗ xe, giúp người kinh doanh tiết kiệm được nhiều chi phí hàng tháng" - chị Hà chia sẻ.

Anh Lê Đình Minh (kinh doanh tạp hóa ở ngõ 331 Vũ Tông Phan, Hà Nội) chia sẻ với PV Lao Động chiều 12.9, mặt bằng trong ngõ không chỉ có giá thuê rẻ hơn mà hợp đồng thuê nhà cũng linh hoạt hơn so với mặt bằng thuê ở nhà phố.
Hiện gia đình anh Minh đang thuê một mặt bằng có diện tích 60m2, giá thuê 12 triệu đồng trong ngõ để kinh doanh cửa hàng tạp hóa, thực phẩm.
Trong khi đó một mặt bằng có diện tích tương tự nằm trên mặt đường lớn như Vũ Tông Phan, đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đang có giá thuê từ 20 - 30 triệu đồng/tháng.
Đề cập đến vấn đề này, bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội cho biết, sau dịch COVID-19, nhiều khách thuê rất hạn chế việc mở thêm mặt bằng, chi nhánh kinh doanh.
Theo bà Minh, từ nay đến cuối năm 2023, để duy trì hoạt động cũng như tiếp tục thúc đẩy động lực phục hồi, chủ cửa hàng kinh doanh cần thận trọng, thắt chặt chi tiêu và lên kế hoạch chi tiết trong giai đoạn sắp tới.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - nhận định, những tháng vừa qua, nhiều hộ kinh doanh, thương hiệu, nhãn hàng đã phải trả mặt bằng, tháo chạy khỏi các tuyến phố lớn do mức giá thuê cao.
Theo ông Điệp, các doanh nghiệp, nhãn hàng thời điểm này đang mong muốn được tiếp thêm nguồn vốn, hạ nhiệt giá thuê mặt bằng kinh doanh hoặc di dời mặt bằng đến nơi có giá thuê hợp lý để duy trì doanh thu, chạy các chương trình mua sắm, kích cầu tiêu dùng.