Thủ tục và những quy định quản lý không rõ ràng chính là rào cản đáng sợ nhất với không ít doanh nghiệp muốn triển khai nhà xã hội tại TPHCM. Đơn cử như trường hợp Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành, hiện còn 2 dự án nhà ở xã hội đang bị vướng mắc mấy năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Theo đó, Dự án nhà ở xã hội cho thuê Lê Thành An Lạc đã triển khai, đang vướng hàng loạt khó khăn, vướng mắc về quyết định miễn tiền sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật mà lẽ ra doanh nghiệp này đương nhiên được hưởng khi làm nhà ở xã hội.
Dự án thứ hai nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên, theo quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2016-2020 thì khu đất này ưu tiên để phát triển nhà ở xã hội, nhưng Công ty Lê Thành đã nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư dự án tại Sở Kế hoạch và Đầu tư từ tháng 3.2019 đến nay đã gần 2 năm nhưng vẫn chưa có “Quyết định chủ trương đầu tư” do vướng các khâu về chỉ tiêu quy hoạch và ranh đất thực hiện dự án.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp bất động sản, một trong những nguyên nhân khiến nhà ở xã hội thời gian qua luôn trong tình trạng thiếu hụt là do chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Chẳng hạn, Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định, trường hợp dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất trên 10 ha, chủ đầu tư dự án được lựa chọn các hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20%, nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, có hiện tượng chủ đầu tư nộp tiền thay thế hoặc chia nhỏ dự án lớn thành những dự án dưới 10 ha để tránh phải dành quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội.
Để khắc phục, mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều trong đó quy định những dự án không phải dành 20% quỹ đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội, gồm: các dự án dưới 02 ha (đối với đô thị đặc biệt và đô thị loại 1), hoặc dưới 5 ha (đối với đô thị loại 2, loại 3) và có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất của dự án theo quy định của pháp luật về đất đai. Các dự án nhà ở thương mại từ 2 ha trở lên (đối với đô thị đặc biệt và đô thị loại 1), từ 5 ha trở lên (đối với đô thị loại 2, loại 3) vẫn phải dành 20% quỹ đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), điều này là không phù hợp với Luật Nhà ở 2014. Vì trước đây, theo quy định tất cả các dự án thương mại đều phải dành 20% quỹ đất trong dự án để phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, đối với dự án 10 ha trở lên phải xây dựng nhà ở xã hội trong dự án; dự án dưới 10 ha được lựa chọn thực hiện theo một trong 03 phương thức: hoặc xây dựng nhà ở xã hội trong dự án, hoặc hoán đổi bằng quỹ nhà ở xã hội khác có giá trị tương đương, hoặc trị giá bằng tiền để nộp ngân sách nhà nước…
Bên cạnh đó, việc Nghị định được sửa đổi, không còn sử dụng cụm từ “không phân biệt quy mô diện tích đất” đã đưa ra cách hiểu khác, đó là dự án nhà ở thương mại “nhỏ hơn 2 ha tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc nhỏ hơn 5 ha tại các đô thị loại II và loại III thì chủ đầu tư không phải dành quỹ đất 20% và có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất của dự án”. Vấn đề này đã tạo ra tình trạng không công bằng giữa các dự án nhà ở thương mại và không phù hợp với Luật Đất đai, ông Lê Hoàng Châu nêu quan điểm.