Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký văn bản đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung 4 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Hà Nam vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam.
4 KCN được bổ sung vào quy hoạch gồm: KCN Đồng Văn V với diện tích quy hoạch 250ha ở phường Tiên Nội, xã Tiên Ngoại và xã Yên Nam, thị xã Duy Tiên; KCN Đồng Văn VI có diện tích quy hoạch 250ha ở các xã: Tiên Ngoại, Yên Nam và Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên; KCN Kim Bảng I có diện tích quy hoạch 230ha ở các xã: Lê Hồ, Đại Cương và Đồng Hóa, huyện Kim Bảng và KCN Châu Giang I với diện tích quy hoạch 210 ha ở phường Châu Giang, xã Mộc Nam, xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên.
Tại tỉnh Hải Dương, địa phương đang cùng lúc triển khai xây dựng hạ tầng 6 KCN mới gồm: Gia Lộc, An Phát 1, Kim Thành, Tân Trường mở rộng, Đại An mở rộng và Phúc Điền mở rộng.
Trong đó KCN Phúc Điền mở rộng có tổng diện tích 214,57ha, thuộc địa phận các xã Vĩnh Hồng, Vĩnh Hưng và Hùng Thắng (Bình Giang). KCN này có hạ tầng giao thông khá thuận lợi khi có quốc lộ 5 chạy qua và nằm gần đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Trong 6 KCN mới, An Phát 1 có tổng diện tích 180ha là KCN đầu tiên được tỉnh bàn giao mặt bằng nên có lợi thế rất lớn trong thu hút đầu tư. Hơn nữa do bám quốc lộ 37 ở phía tây và đường vành đai II TP Hải Dương ở phía bắc nên KCN này có vị trí địa lý rất thuận lợi trong giao thương kinh tế và vận chuyển hàng hoá.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương, 6 KCN mới đang triển khai có tổng diện tích bằng 77% diện tích 11 KCN đang hoạt động. Các KCN mới được nhận định có lợi thế rất lớn trong thu hút đầu tư do trong những năm gần đây, số dự án mới đầu tư vào các KCN không nhiều do diện tích đất có thể cho thuê chỉ còn khoảng 140 ha.
Báo cáo chiến lược năm 2023 của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho thấy thời gian qua, ngành bất động sản KCN tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong kết quả kinh doanh.
Đơn cử 9 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp niêm yết ghi nhận doanh thu tăng 34,5% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế cũng tăng trưởng 77,5% so với cùng kỳ.
Cùng với các dự án mới tại phía Bắc được đầu tư và bổ sung vào quy hoạch, trong thời gian tới, thị trường KCN phía Nam dự kiến cũng sẽ đón thêm nguồn cung mới đến từ một số dự án tiêu biểu như: KCN VSIP 3 (1.000 ha), KCN NTC3 - mở rộng (346 ha), KCN Phước An (330 ha)…
Khi nhận định về các phân khúc bất động sản tiềm năng trong năm 2023, Savills Việt Nam cũng nhìn nhận bất động sản KCN đang ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan.
Cụ thể, trong năm 2022, nhóm đất công nghiệp tại các địa phương như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bắc Giang, Hưng Yên... ghi nhận mức tăng giá 30-40% và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 khi làn sóng đầu tư quốc tế đổ về Việt Nam.
Các chuyên gia của Savills cho rằng, hiện Chính phủ Việt Nam đang đẩy nhanh các kế hoạch phát triển mạng lưới hệ thống cơ sở hạ tầng trên cả nước.
Khi hạ tầng phát triển, giá trị của các dự án bất động sản công nghiệp ở nhiều địa phương cũng gia tăng và kéo theo các thị trường dịch vụ hậu cần, kho lạnh tăng trưởng mạnh.
Với những yếu tố tích cực trên đây, Savills nhìn nhận triển vọng phát triển của phân khúc bất động sản công nghiệp trong năm 2023 là khá lạc quan.