Sáng 3.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Liên quan tới quy định về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 45), trong trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Nhiều ý kiến đề nghị đối với đất trồng lúa thì cá nhân phải thành lập tổ chức kèm theo phương án sử dụng đất tích tụ để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, không được gom đất để chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm bảo đảm địa phương có thể giữ đất lúa vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Về nội dung này, dự thảo Luật thiết kế 3 phương án liên quan đến điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, đó là:
Phương án 1: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa trong mọi trường hợp.
Phương án 2: Không giới hạn về điều kiện. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 589/BC-CP.
Phương án 3: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định tại khoản 1 Điều 177.
Thảo luận nội dung này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) tán thành phương án 1.
Đại biểu cho rằng quy định theo hướng này sẽ bảo đảm công tác quản lý đất trồng lúa nghiêm ngặt, chặt chẽ, tránh trường hợp cá nhân thu gom đất trồng lúa để đầu cơ, ảnh hưởng đến phát triển.
Bên cạnh đó để đáp ứng điều kiện nhận chuyển nhượng, cá nhân không trực tiếp sản xuất phải có phương án sử dụng đất và lên kế hoạch sử dụng đất trồng lúa là phù hợp với điều kiện hiện nay, tránh tình trạng không quản lý được quỹ đất.
Phát biểu tranh luận sau đó, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Đoàn Bình Thuận) nêu quan điểm không đồng tình với đại biểu Nguyễn Hữu Chính về chuyển nhượng đất trồng lúa.
Theo đó, đại biểu Đặng Hồng Sỹ không đồng ý với phương án 1 và phương án 3 trong Điều 45 của Dự thảo luật. Theo đại biểu, quy định như vậy không đảm bảo quyền bình đẳng của công dân trong tiếp cận nguồn đất đai.
Đại biểu cho hay, trên thực tế, nhiều trường hợp không sản xuất nông nghiệp vẫn có nhu cầu sử dụng đất trồng lúa ví dụ như mua đất nông nghiệp, đất trồng lúa phục vụ cho tiêu dùng của gia đình thì việc này không nên giới hạn quyền.
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ đề nghị nên giữ như phương án 2 của dự thảo luật lần này. Ông nhấn mạnh, việc này chủ yếu là quản lý mục đích sử dụng chứ không hạn chế quyền của công dân trong tiếp cận nguồn lực đất đai.
Trong khi đó đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, phương án 3 "phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo khoản 1 Điều 177" đảm bảo hài hòa hơn.
“Việc không giới hạn về điều kiện sẽ rất khó quản lý, dễ phát sinh những vấn đề không mong muốn” - đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu ý kiến.