Chiều 25.2, tại tỉnh Bắc Ninh, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức hội nghị "Lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)" với 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, một số Ủy ban của Quốc hội; UBND các tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các tỉnh, thành phố tham gia góp ý, báo cáo về kết quả lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nêu rõ những tồn tại, vướng mắc cũng như nguyên nhân... góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Hội nghị đã nghe báo cáo của 25 tỉnh, thành phố về kết quả lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Lãnh đạo các địa phương đã góp ý cụ thể vào từng chương mục, những kiến nghị sửa đổi đến Ban soạn thảo dự án luật; Những khó khăn vướng mắc từ thực tế địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lương Trọng Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - cho biết: Tại khoản 2 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Quy định như vậy đã thể hiện rất rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đời sống của người dân khi Nhà nước thu hồi đất.
Tuy nhiên, ông Quỳnh đề nghị dự thảo Luật cần thể chế hóa rõ hơn các quy định nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân, cụ thể hóa các tiêu chí thế nào là “tốt hơn nơi ở cũ”; bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định.
Đồng quan điểm, trong báo cáo của tỉnh Bắc Kạn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn - bà Đỗ Thị Minh Hoa - cũng đề cập đến điều 89, quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất. "Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ", nguyên tắc này cần được quy định cụ thể và đo lường được để các địa phương có tiêu chí để áp dụng.
Liên quan vấn đề trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 85, ông Lại Văn Hoàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - cho hay: Trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng phát sinh trường hợp người có đất thu hồi vắng mặt tại địa phương (không thể liên hệ để thông báo được), khiến vướng mắc khi thực hiện quy trình giải phóng mặt bằng.
Ông Hoàn đề nghị, cần bổ sung quy định về trình tự thủ tục thu hồi trong trường hợp người sử dụng đất vắng mặt tại địa phương. Đề xuất tổ chức làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng phối hợp với UBND cấp xã lập biên bản ghi nhận vắng mặt và thực hiện kiểm đếm vắng mặt.
Sau khi lắng nghe các báo cáo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, các địa phương đã thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hết sức nghiêm túc, bằng nhiều hình thức phong phú. Mỗi địa phương có một cách thực hiện khác nhau, nhưng đã tập trung được các đối tượng, nội dung xin ý kiến, để từng người dân có thể hiểu được chủ trương của Đảng.
"Thông qua việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), người dân cả nước sẽ biết được chủ trương của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng các chính sách liên quan đến đất đai. Từ những ý kiến đóng góp, bộ luật này sẽ ngày càng hoàn thiện, góp phần phát huy nguồn lực đưa đất nước ta phát triển, đáp ứng mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành đất nước phát triển, công nghiệp hoá, hiện đại hoá vào năm 2045" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.