Theo chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải (Công ty Luật TNHH Thái Hà), trước đây, vẫn có sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật với nhau, cụ thể là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở. Nếu khai thông được các điểm nghẽn này, việc thị trường bất động sản - vốn đã ảm đạm trong một thời gian dài - ấm lên nhanh hơn dự kiến là lẽ tất yếu.
Bởi lẽ, sự phát triển lĩnh vực này có thể kéo theo nhiều ngành khác để đóng góp vào phát triển kinh tế của cả nước.
Một trong số những bất cập về đất đai được ông Hải đưa ra là việc xác định giá đất, mà cụ thể là thấp hơn so với giá thị trường, ảnh hưởng ngân sách Nhà nước.
"Tôi hy vọng sắp tới sẽ có các phương pháp định giá đất được đưa ra cụ thể trong Luật Đất đai sắp tới có thể giúp hạn chế tối đa các lỗ hổng phát sinh trước đây như so sánh trực tiếp, thặng dư, hệ số, chiết trừ..." - ông Hải nói.
Vị chuyên gia pháp lý lấy ví dụ về một trong nhiều bất cập hiện hữu trong Luật Đất đai hiện hành. Khoản 19 Điều 3 Luật Đất đai 2013 về giải thích từ ngữ, giá đất là giá trị của quyền sử dụng đất tính trên một đơn vị diện tích đất. Trong Điểm c Khoản 1 Điều 112, nguyên tắc xác định giá đất phải "phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất".
Theo đó, cần có một tỉ lệ được ấn định cụ thể. Ngoài ra, cần phải có một cơ quan trực thuộc UBND cấp tỉnh chuyên biệt nhằm bám sát thông tin giá đất trên thị trường một cách kịp thời, nhanh chóng để cung cấp cho hội đồng thẩm định giá.
Ông Lê Ngọc Chinh - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Môi giới Bất động sản GoldenLand - nhận định, nhà ở xã hội hứa hẹn sẽ là phân khúc rất được chờ đợi trên thị trường bất động sản sắp tới do nhu cầu về nhà ở tăng cao. Nhà nước cũng đang chú trọng vào chính sách này với đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội. Đây là điểm tựa then chốt để thị trường bất động sản trở lại và cũng là lời giải chính cho bài toán khủng hoảng dư cầu.
"Tôi hy vọng gói 120 nghìn tỉ đồng sẽ được giải ngân kịp thời, đúng thời điểm. Đây sẽ là chất xúc tác không nhỏ đưa thị trường bất động sản trở lại, cũng như hỗ trợ nhiều doanh nghiệp thoát khỏi tình cảnh khốn đốn" - ông Chinh cho biết.
Vị chuyên gia cho hay, thời gian qua, room tín dụng bị thắt chặt làm các doanh nghiệp bất động sản đều khó tiếp cận được với nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng và chính vấn đề pháp lý cũng là yếu tố khiến các dự án chưa được khơi thông. Dòng vốn từ ngân hàng chính là chìa khóa giải quyết vấn đề. Mặt khác, thời gian qua, lượng trái phiếu tồn đọng quá nhiều cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp bất động sản.