Bị lãng phí, biến tướng
Việc quy hoạch các cụm công nghiệp từng được kỳ vọng sẽ là động lực phát triển, tăng trưởng kinh tế vùng, nhưng những năm qua, các cụm công nghiệp hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội như: Đông Anh, Hoài Đức, Thường Tín... bộc lộ hàng loạt hạn chế, bất cập.
Ông Ngô Viết Hạ - Trưởng thôn Khê Nữ (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội) - thông tin, năm 2012, Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp làm cụm công nghiệp. Dù đã thu hồi đất cách đây hơn 10 năm, nhưng nhiều diện tích đất trong cụm công nghiệp Nguyên Khê đến nay vẫn bỏ trống, cỏ dại mọc um tùm.
Hay từ năm 2011, UBND TP Hà Nội đã ký Quyết định 2417/QĐ-UBND thành lập cụm công nghiệp làng nghề xã Văn Tự (huyện Thường Tín) nhằm di dời các cơ sở sản xuất tại địa phương vào khu vực sản xuất tập trung, để bảo vệ môi trường sinh thái trong khu dân cư và mở rộng quy mô phát triển nghề truyền thống của địa phương...
Tuy nhiên, kể từ khi cụm công nghiệp đi vào hoạt động đến nay đã diễn ra tình trạng xây nhà kiên cố, biệt thự, nhà cao tầng "núp bóng" trong nhà xưởng.
Ông Phạm Văn Quyên - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Tự - thông tin, sau khi làm lán xưởng xong rất nhiều hộ dân tại cụm công nghiệp làng nghề xã Văn Tự đóng cửa xây nhà ở bên trong, khi địa phương kiểm tra thì công trình đã hoàn thiện.
Hay liên quan đến việc chấp hành pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với Cụm công nghiệp làng nghề Dương Liễu (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức), vào gần cuối năm 2022, UBND huyện này ban hành Kết luận về việc kiểm tra các nội dung trên.
Nội dung bản kết luận kiểm tra nêu rõ, tại thời điểm kiểm tra, Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Dương đã ký hợp đồng cho thuê 100% diện tích đất công nghiệp theo quyết định cho thuê đất của UBND TP Hà Nội.
Một nội dung cũng được thể hiện trong kết luận là có 49/85 trường hợp đưa đất vào sử dụng theo hợp đồng thuê đất.
Trong tổng số 49 trường hợp sử dụng đất, có 43 trường hợp xây dựng công trình trong Cụm công nghiệp làng nghề Dương Liễu có hành vi vi phạm trật tự xây dựng, sai so với giấy phép xây dựng, không phù hợp với quy hoạch cụm công nghiệp, như làm mái che, mái vẩy, nhà để xe, nhà bảo vệ, xây tum, vượt tầng vi phạm chiều cao…

Vai trò giám sát
Chia sẻ với Lao Động, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh - cho biết, phát triển cụm công nghiệp là rất cần, tuy nhiên còn nhiều vấn đề phải quan tâm, trong đó có hạ tầng, môi trường…
Theo ông Thành, để giải quyết vấn đề này Hà Nội và các địa phương phải làm tốt quy hoạch, sau đó triển khai tốt thì mới phát huy hiệu quả.
“Quy hoạch đã có sẵn, chúng ta phải có giám sát thì hiệu quả và thực thi sẽ tốt hơn”, TS Thành nhấn mạnh và cho biết thêm một vấn đề nữa là cụm công nghiệp chưa tạo dựng, gắn kết với một cụm liên kết ngành mà chủ yếu là lấp đầy…
TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trước tiên phải xem thiết kế, quy hoạch của cụm công nghiệp là gì. Một cụm công nghiệp phải có một ngành công nghiệp chủ đạo và xung quanh đó phải có doanh nghiệp phụ trợ như phụ tùng, sửa chữa…
“Phải nắm rõ xem các cụm công nghiệp khi chuẩn bị triển khai quy hoạch chủ đạo là gì, thu hút gì, xử lý chất thải, lực lượng lao động ra sao... Nếu chúng ta nắm rõ, hiểu sâu được những vấn đề này chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả” - ông Doanh nói.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để các cụm công nghiệp có hiệu quả, chủ đầu tư cần chủ động triển khai nhanh việc đầu tư xây dựng, hoàn thành, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng.
“Nếu để kéo dài thời gian hoàn thiện cụm công nghiệp chắc chắn sẽ bị thay đổi và biến tướng. Nếu coi dự án cụm công nghiệp là dự án bất động sản để làm thương mại, kiếm lời là hoàn toàn sai mục tiêu” - ông Thịnh nói thêm.