Xé rào, giao đất ngoài luật định
Như Lao Động đã từng có nhiều bài phản ánh, từ trước năm 2019, Chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã “xé rào”, tự “sáng tạo” ra một loại sản phẩm đất đai không có trong luật định, đó là “đất ở, không hình thành đơn vị ở”. Để rồi, địa phương này đã cấp phép đầu tư, giao đất cho hàng trăm dự án khu đô thị, khách sạn, khu nghỉ dưỡng... Trong đó có gần 50 dự án tập trung ở TP.Nha Trang và bán đảo Cam Ranh.
Hầu hết các dự án này được triển khai trên đất sản xuất, nhưng sản lại phân lô biệt thự, căn hộ du lịch cho thuê (thực tế là nhà ở), vì vậy khách hàng góp vốn, mua căn hộ đang mắc kẹt sau khi các dự án sai phạm bị phát hiện, tạm dừng.
“Đất ở, không hình thành đơn vị ở” là một thuật ngữ riêng có của Khánh Hòa. Địa phương này đặt tên cho một loại đất mà vốn nó là đất sản xuất phi nông nghiệp hoặc đất thương mại dịch vụ, nhưng đã được Chính quyền giao cho nhà đầu tư để triển khai các dự án căn hộ du lịch. Thực chất những căn hộ này như chung cư bình thường. Vì bị ràng buộc thuật ngữ “không hình thành đơn vị ở” nên nhà đầu tư không phải quy hoạch, xây dựng các hạ tầng thiết yếu như trường học, chợ, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng...
Cựu Chủ tịch Khánh Hòa vừa bị khởi tố - ông Nguyễn Chiến Thắng trong một lần trả lời Báo Lao Động từng giải thích, với việc “sáng tạo” này, tỉnh đã làm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. Bởi, nếu giao loại “đất thương mại dịch vụ, thì nhà đầu tư chỉ nộp ngân sách bằng 30% so với đất ở. Nhưng khi quy định “đất ở, không hình thành đơn vị ở” thì doanh nghiệp phải đóng đến 72% so với đất ở”.
Ngược lại, sự nhập nhèm về khái niệm đã khiến người dân, khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp bị “sập bẫy”.
Đã sửa sai...
Khi giao loại đất ngoài luật định nói trên cho nhà đầu tư, UBND tỉnh Khánh Hòa đã hứa sẽ cấp giấy chứng nhận đầu tư có “đất ở không hình thành đơn vị ở” và mục tiêu “xây dựng căn hộ du lịch để bán hoặc cho thuê”. Các cơ quan quản lý đất đai sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng cho từng căn hộ du lịch của dự án đó...
Tuy nhiên, cuối năm 2019, khi Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm, “tuýt còi” thì Khánh Hòa dừng toàn bộ việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với loại “đất ở không hình thành đơn vị ở”. Chính quyền “sửa sai” bằng cách chuyển ngược về đất kinh doanh, thương mại dịch vụ. Điều này đã khiến nhiều dự án bị ngưng trệ, dở dang, khách hàng không được đáp ứng đúng cam kết ban đầu, dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.
Hệ lụy của những sai phạm này gây ra rất nặng nề cho doanh nghiệp, người dân, nhưng nếu Thanh tra Chính phủ không “chỉ ra” những dấu hiệu sai phạm, và Khánh Hòa không kịp thời dừng, chấn chỉnh, chắc chắn đến nay có cả chục dự án phải đối mặt với việc bị khởi tố, điều tra.