Luật sư Phạm Ba Đô (Công ty Luật TNHH SJKLaw) cho biết, theo Khoản 16 điều 3 Luật Đất đai 2013 vẫn có hiệu lực hiện tại, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
"Có thể thấy, Luật đất đai 2013 đã công nhận sổ đỏ, sổ hồng là giấy tờ có giá trị chứng minh về quyền sử dụng đất. Điểm khác biệt là sổ hồng có ghi nhận cả “Quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng và các tài sản gắn liền với đất” còn sổ đỏ thì không bao gồm các loại tài sản này" - ông Đô nói.
Còn theo khoản 21, điều 3, dự thảo Luật Đất đai 2024 vừa được thông qua và sẽ có hiệu lực từ năm 2025, vị chuyên gia nhận thấy đã có sửa đổi về một số nội dung như sau:
"Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật".
Như vậy, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực vào năm 2025, sổ đỏ hay sổ hồng cũng vẫn được coi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, bao gồm cả nhà ở và các công trình gắn liền với đất. Điều khác biệt ở chỗ, nhà làm luật không liệt kê thêm quyền sở hữu nhà ở vào tên gọi của giấy chứng nhận mà được gộp chung vào nhóm “tài sản gắn liền với đất”.
"Vậy, quy định này không thay đổi nhiều về bản chất mà chủ yếu là thay đổi về cách gọi tên giấy chứng nhận" - luật sư Phạm Ba Đô nhận xét.