Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản về việc hủy hai thông báo số 86 và 87 ngày 19.10.2010 về việc thu hồi đất tại xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam), xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) để bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Tỉnh Ninh Thuận cũng hủy thông báo số 49 ngày 18.12.2015 về việc điều chỉnh diện tích đất thu hồi tại hai thông báo nêu trên. Lý do hủy được Phó chủ tịch tỉnh Phan Tấn Cảnh cho biết, do Quốc hội đã có nghị quyết dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Quyết định đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân địa phương. Đa phần, ai cũng bày tỏ niềm vui sau hơn 14 năm, vùng đất của họ nằm trong quy hoạch, không được quan tâm về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất kinh doanh.
Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hải Nguyễn Thành Mỹ không giấu được cảm xúc. Ngay sau khi tiếp nhận thông báo, chính quyền cùng đảng ủy xã Vĩnh Hải đã liên hệ để người dân trên địa bàn sớm nắm được và thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai. Ông Mỹ cho biết, gần 14 năm qua sống trong vùng quy hoạch, người dân xã Vĩnh Hải gần như không thể được thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng khó khăn.
Thời gian tới, chính quyền xã Vĩnh Hải sẽ kiến nghị tỉnh Ninh Thuận sớm lập quy hoạch mới theo hướng mở rộng các khu dân cư, chỉnh trang đô thị; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi, hệ thống giao thông, thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai, lũ lụt, trường học, nghĩa trang…
Ít ai biết rằng, xã Vĩnh Hải vốn được xem là thủ phủ nhỏ tại Ninh Thuận trước đây. Khi đất đai tại xã nằm trong quy hoạch điện hạt nhân, người dân không còn sản xuất lớn mà đầu tư nhỏ lẻ, cầm chừng. Đất đai trong vùng quy hoạch phần nhiều bỏ hoang hoặc không thể sản xuất...
Ông Phạm Thân Dân (67 tuổi, ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải) chia sẻ thêm rằng, khi nắm thông tin tỉnh Ninh Thuận hủy các thông báo thu hồi đất, ông Dân và người dân địa phương rất mong muốn cơ quan chức năng triển khai các thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất để bà con mạnh dạn đầu tư phát triển cây nho, sửa nhà cửa, tách thửa, chuyển nhượng, cầm cố để vay ngân hàng lấy vốn làm ăn.
Theo lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, sau khi có quyết định nói trên, chính quyền địa phương hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai (kê khai, đăng ký đất đai; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) theo quy định.
Cuối năm 2009, Chính phủ trình Quốc hội đề xuất chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Dự kiến xây dựng hai nhà máy Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 tại huyện Thuận Nam và Ninh Hải, tổng công suất 4.000 MW. Tổng đầu tư dự kiến ban đầu 200.000 tỉ đồng.
Đến năm 2016, Quốc hội quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Sau khi dừng dự án điện hạt nhân, Chính phủ chấp thuận loạt chủ trương, hỗ trợ để tỉnh này phát triển.
Một trong số đó là phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); đầu tư dự án Thủy điện tính năng Bắc Ái; tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná với quy mô phù hợp.
Vị trí quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đã được Chính phủ điều chỉnh sang phát triển năng lượng tái tạo. Khu vực nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 được giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất.