Qua 10 mùa SEA Games vẫn... đắp chiếu
Đầu tiên phải kể đến dự án Trường Đại học Hoa Lư được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt đầu tư và triển khai xây dựng từ tháng 7.2007, trên tổng diện tích 25ha (tại xã Ninh Nhất, TP Ninh Bình) với tổng mức đầu tư trên 488 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về nguồn vốn nên dự án phải tạm dừng thi công hơn 15 năm nay. Gần đây, năm 2023 UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh gần 770 tỉ đồng, (tăng gần 300 tỉ đồng so với trước khi điều chỉnh), từ nguồn ngân sách Trung ương, vốn chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách của tỉnh. Thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2025.
Được phê duyệt đầu tư năm 2001, Dự án Khu Trung tâm Thể dục, Thể thao tỉnh Ninh Bình bắt đầu triển khai xây dựng trên diện tích khoảng 3,2ha, tại phường Tân Thành, TP Ninh Bình, nhằm phục vụ thi đấu SEA Games 22 (năm 2003). Có tổng mức đầu tư gần 30 tỉ đồng bằng tiền ngân sách Nhà nước nhưng đến nay, sau hơn 2 thập kỷ, đã qua 10 mùa SEA Games, dự án vẫn là bãi đất trống ngổn ngang, làm nơi để vật liệu xây dựng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, lãng phí nguồn lực đất đai và ngân sách Nhà nước.
Hiện UBND tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu cắt giảm quy mô, tổng mức đầu tư, xác định điểm dừng kỹ thuật, dừng triển khai thực hiện để quyết toán và dừng hẳn dự án và đã bố trí khoảng 20 tỉ đồng từ nguồn ngân sách để trả cho nhà thầu thi công dang dở được một phần móng rồi để đó hơn 20 năm qua. Phần đất sẽ giao lại cho TP Ninh Bình quản lý.
Dự án Công viên văn hóa Tràng An do Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư với tổng mức 1.866 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách được triển khai từ năm 2009, tuy nhiên đến nay vẫn dở dang do khó khăn về nguồn vốn và những tồn tại trong giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo UBND tỉnh Ninh Bình, hiện nay, Dự án đang tập trung triển khai công tác GPMB khu vực 68 hộ dân thôn Ích Duệ, xã Ninh Nhất, 9 hộ dân phố Tân Trung, phường Tân Thành và những vị trí vướng mắc còn lại của các dự án thành phần; hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh trình Bộ Xây dựng thẩm định trong Quý III/2023 để tiếp tục thi công công trình.Bao giờ xử lý dứt điểm?
Dự án Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh Ninh Bình được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2009 với tổng mức đầu tư là 292,516 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương. Do dự án không được bố trí vốn đầy đủ và thời gian thực hiện kéo dài nên UBND tỉnh đã ban hành công văn đồng ý chủ trương cho phép dừng thực hiện dự án trên để quyết toán công trình.
Năm 2022, cấp có thẩm quyền tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt Dự án di chuyển chợ Rồng tại phường Vân Giang, TP Ninh Bình về khu vực Công ty Cổ phần Cơ khí lắp máy Lilama tại phường Thanh Bình, TP Ninh Bình nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được vì liên quan đến việc di chuyển Công ty Cổ phần Cơ khí lắp máy Lilama và thực hiện các thủ tục theo quy định, cần nhiều thời gian.
Dự án Xây dựng Quảng trường và Tượng đài Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng được khởi công xây dựng từ năm 2009 với tổng mức đầu tư là 1.543 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác với mục tiêu hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010). Tuy nhiên, sau hơn 12 năm triển khai xây dựng, dự án vẫn chậm tiến độ, nằm “đắp chiếu” với nhiều hạng mục đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Lại một lần nữa, UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định đã bố trí nguồn vốn kế hoạch năm 2023 đầy đủ kịp thời và sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị khẩn trương hoàn thiện các hạng mục còn lại, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.
Dự án phía Đông Nhà Thi đấu Thể dục, Thể thao tỉnh thuộc phường Đông Thành được đầu tư hạ tầng toàn diện với tổng mức đầu tư trên 780 tỉ đồng tiền ngân sách từ năm 2009-2013 để tiến hành đấu giá đất ở nhưng đến nay đã hơn 1 thập kỷ trôi qua, qua 2 lần đấu giá rồi bị hủy, khu đất “vàng” này vẫn chỉ là khu đất bị bỏ hoang.
Việc di chuyển Bến xe khách Ninh Bình (tại đường Lê Đại Hành, phường Thanh Bình) về địa điểm mới theo quy hoạch đã được phê duyệt năm 2020. Vậy nhưng đến nay, mọi việc vẫn án binh bất động dù người dân đã phản ánh nhiều lần. Còn UBND tỉnh cho hay, do cần rà soát, lập quy hoạch tỉnh nên kế hoạch di chuyển bến xe khách Ninh Bình sẽ được thực hiện sau năm 2030.
Tháng 12.2021, ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình - đã ký công văn số 945/UBND-VP4 đồng ý chủ trương cắt giảm các dự án do UBND tỉnh quyết định đầu tư có thời gian thực hiện kéo dài, không đảm bảo khả năng cân đối vốn để hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, đến nay, nhiều dự án vẫn chưa được xử lý dứt điểm, không mang lại hiệu quả đầu tư như kỳ vọng.