Hạn chế, bất cập trong triển khai đô thị thông minh
Trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam, chiều 16.6.2022 diễn ra Hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề “Xây dựng đô thị, chuỗi đô thị thông minh kết nối trong nước và quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết đến nay cả nước đã có 41/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Ngoài ra còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh v.v...; nguồn kinh phí xã hội hóa và nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án đô thị thông minh chiếm từ 50-90%.
Tuy vậy, theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập như: "Đang tập trung nhiều về ứng dụng các dịch vụ đô thị thông minh, trong khi các nội dung về quy hoạch đô thị thông minh, quản lý xây dựng đô thị thông minh chưa thực sự được chú trọng; còn ít các dự án đô thị thông minh có cách tiếp cận toàn diện với mục tiêu hướng tới không chỉ đơn thuần là giải quyết các vấn đề cấp thiết của đô thị mà xa hơn là hướng tới một quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là những bức phá trong hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút đối tác đầu tư.
Tại nhiều địa phương, việc đặt mục tiêu con người ở vị trí trung tâm dường như còn mang tính khẩu hiệu, biểu tượng, điển hình là vai trò của người dân trong việc tham gia hoạch định, vận hành các đô thị thông minh còn hạn chế; tính kết nối, chia sẻ giữa các đô thị chưa cao, mức độ hội nhập quốc tế còn yếu; việc huy động và phát huy các nguồn lực của xã hội còn thiếu bài bản", TS Nguyễn Đức Hiển nhận định.
Ông Hán Minh Cường, Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT SGroup Việt Nam cho rằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu đô thị tại Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập như thiếu hành lang pháp lý; còn tình trạng phân mảnh, cát cứ dữ liệu; thiếu hướng dẫn về kiến trúc hệ thống, mô hình và cấu trúc cơ sở dữ liệu; thiếu cán bộ chuyên trách, được đào tạo để xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu đô thị ứng dụng GIS; hạ tầng công nghệ thông tin vẫn chưa đảm bảo...
Chủ tịch HĐQT SGroup Việt Nam cũng kiến nghị cần ban hành các hướng dẫn, quy định cụ thể về việc chuẩn hoá cấu trúc và thông tin dữ liệu, xây dựng định mức chi phí thiết lập cơ sở dữ liệu đô thị và các quy định về bố trí nguồn lực thực hiện...
"Gỡ rối" để phát triển
Tại phiên trao đổi, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, hệ thống giao thông thông minh không những giúp giảm phát thải khí gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính mà còn giúp giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội. Tuy vậy hệ thống giao thông đô thị, đặc biệt là tại các thành phố lớn, đô thị loại đặc biệt vẫn còn tồn tại các vấn đề nêu trên và có xu hướng ngày càng trầm trọng hơn. Về vấn đề này, ông Phạm Hoài Chung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải đã chỉ ra một số giải pháp giảm ùn tắc giao thông.
Ông Chung cho biết: "Để giảm ùn tắc giao thông, cần tập trung các giải pháp như triển khai các hệ thống ứng dụng tự động về thu phí, kiểm soát tải trọng, kiểm soát khí thải; hạn chế phương tiện cá nhân, tập trung và tăng cường giao thông công cộng".
"Cùng với đó là nâng cấp các trung tâm quản lý điều hành giao thông hiện nay; nâng cấp hệ thống dữ liệu thông tin giao thông, điều khiển giao thông và hỗ trợ xử lý vi phạm giao thông (thời gian thực). Trong đó trước hết cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thiết kế, điều khiển tín hiệu giao thông tại các nút giao. Tăng cường các loại nút giao thông thông minh có chu kỳ điều khiển thay đổi phù hợp với lưu lượng, hoặc tổ chức điều khiển đèn tín hiệu liên thông trên một trục đường, tiến tới là toàn mạng lưới", Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải chỉ ra giải pháp.
Trong phiên thảo luận, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng đô thị thông minh như thay đổi phương thức kết nối giữa người dân và chính quyền, từ đa điểm tập chung về 1 điểm; thay đổi cách thức tiếp cận thông tin từ văn bản giấy sang sử dụng dữ liệu số; ứng dụng quy trình xử lý số; thay đổi phương thức đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan; phát huy quyền làm chủ, giám sát của người dân; sử dụng công nghệ phù hợp với thực tiễn....
Cũng theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế, tất cả các phương pháp trên đều được áp dụng, tích hợp thống nhất trong tỉnh. Đánh giá bước đầu đã mang lại một số kết quả nhất định và là cơ sở cho hoạch định phát triển đô thị thông minh trong thời gian tới.