Theo đó, tổng số vốn đầu tư công được Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng năm 2023 là 767,45 tỉ đồng. Trong đó, vốn kế hoạch năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 là hơn 190 tỉ đồng; vốn kế hoạch năm 2023 do Chính phủ giao là 575,94 tỉ đồng.
Báo cáo do ông Đào Việt Dũng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Xây dựng) ký nêu rõ, Bộ này đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2023 (đợt 1) với số vốn là 286 tỉ đồng. Số kế hoạch vốn còn lại 289,94 tỉ đồng, Bộ Xây dựng sẽ giao tiếp khi các chủ đầu tư hoàn thành thủ tục đầu tư của dự án theo quy định.
Theo Bộ Xây dựng, lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến hết tháng trước liền kề là 39,50 tỉ đồng/477,51 tỉ đồng (đạt 8,27%) kế hoạch vốn bộ đã giao. Trong đó: Thanh toán vốn kế hoạch năm 2022 được phép kéo dài sang năm 2023 là 11,47/191,51 tỉ đồng (đạt 5,99%); thanh toán vốn kế hoạch năm 2023 là 28,02/286 tỉ đồng (đạt 9,8% kế hoạch đã giao).
Văn bản nêu rõ, ước tính lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến hết tháng 6 là 63,59/477,51 tỉ đồng (đạt 13,32%) kế hoạch vốn được giao. Trong đó, giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 là 28,61/286 tỉ đồng (đạt 10,01%) kế hoạch; giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 34,97/191,51 tỉ đồng (đạt hơn 18,26%).
Về thanh toán vốn kế hoạch ứng trước và kết quả thực hiện vốn ứng trước chưa thu hồi, Bộ Xây dựng cho biết, năm 2023 không có kế hoạch ứng trước.
Bộ này đánh giá, trong tổng số kế hoạch vốn năm 2023 nêu trên có bao gồm kế hoạch vốn của “Dự án đầu tư xây dựng tòa nhà Trung tâm Khoa khám bệnh và kỹ thuật nghiệp vụ - Bệnh viện Xây dựng” 105 tỉ đồng điều chuyển từ Bộ Xây dựng sang Đại học quốc gia Hà Nội.
Hồi tháng 5, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có Nghị Quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch vốn đầu tư năm nay của Dự án giữa 2 cơ quan. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính làm các thủ tục tiếp theo.
Nếu trừ dự án này trong kế hoạch vốn Bộ Xây dựng đã giao triển khai thực hiện, từ ngày 1.1 – 20.6, Bộ Xây dựng đã giải ngân được 10,6% kế hoạch (39,56/372,51 tỉ đồng); ước giải ngân đến ngày 30.6 được 17,07% kế hoạch vốn đã giao (63,59 tỉ đồng/372,51 tỉ đồng).
Lí giải nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công thấp, Bộ Xây dựng chỉ ra thực tế một số dự án khởi công mới năm 2022, chuyển tiếp sang năm 2023 đang thi công xây dựng phần thô nên giá trị khối lượng thực hiện không cao, dẫn đến số vốn giải ngân thấp.
Ngoài ra, một số chủ đầu tư chưa thực sự sâu sát trong tổ chức triển khai dẫn đến công tác chuẩn bị dự án hoặc thực hiện dự án chậm, không bảo đảm tiến độ theo kế hoạch; còn lúng túng khi giải quyết các vấn đề phát sinh trong điều chỉnh dự án, thi công, hồ sơ nghiệm thu thanh toán dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư. Tâm lý một số nhà thầu làm cầm chừng, chờ thông báo kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 mới triển khai.
Đáng chú ý dù nhìn nhận kết quả giải ngân thấp, nhưng trong báo cáo gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch – Đầu tư, ở phần giải pháp và kiến nghị, Bộ Xây dựng nêu "Không có".