Bán bớt để cơ cấu nguồn vốn
Như Lao Động đã thông tin, tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã thông tin một số kết quả làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng về tháo gỡ các dự án BĐS.
Ông Nguyễn Văn Sinh cho hay, qua làm việc, Tổ công tác nhận thấy có nổi lên vấn đề trách nhiệm của các doanh nghiệp. Giai đoạn thị trường tốt, doanh nghiệp triển khai quá nhiều dự án khiến không cân bằng được tài chính. Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, để vượt qua được khó khăn, bên cạnh những giải pháp đồng bộ từ các cơ quan, bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp cũng cần cơ cấu lại BĐS, dự án, bán bỏ bớt dự án chưa triển khai để tập trung vào dự án đang triển khai. Từ đó tạo nên dòng vốn để triển khai các dự án tiếp theo. Về lâu dài việc triển khai dự án phải triển khai theo đúng quy định vay dự án nào phải thực hiện dự án đó, tránh đầu tư dàn trải, không đúng dự án tạo sự mất cân bằng như trong thời gian qua.
Thực tế cho thấy, những khó khăn của thị trường trong thời gian qua, đã có doanh nghiệp bắt đầu tái cấu trúc lại các khoản đầu tư của mình, từ đó bổ sung được nguồn vốn giúp doanh nghiệp giải quyết được một số vấn đề trong ngắn hạn.
Đơn cử, cuối tháng 11.2022, nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư, BĐS Phát Đạt (PDR) đã chuyển nhượng 88,99% vốn tại Địa ốc Hoà Bình - chủ đầu tư dự án 197 Điện Biên Phủ, TPHCM. Trong một diễn biến khác, Phát Đạt cũng ra thông báo đã hoàn tất mua lại trước hạn một phần lô trái phiếu được phát hành lần 7 ngày 2.12.2021, mã trái phiếu là PDRH2123007 với tổng mệnh giá phát hành đạt 475 tỉ đồng cùng kỳ hạn 2 năm. Khối lượng trái phiếu Phát Đạt mua lại theo mệnh giá là 188,7 tỉ đồng, tương đương 40% tổng mệnh giá phát hành của lô.
Động thái này diễn ra khi giá cổ phiếu PDR trên thị trường liên tục sụt giảm nghiêm trọng với nhiều phiên nằm sàn liên tiếp. Doanh nghiệp đã phải bổ sung hàng loạt tài sản đảm bảo cho nhiều lô trái phiếu, đồng thời tiến hành mua lại hàng trăm tỉ đồng trái phiếu trước hạn.
Hé lộ những khách hàng tiềm năng
Theo báo cáo tài chính quý III/2022 của PDR, tính đến cuối tháng 9.2022, danh mục hàng tồn kho Phát Đạt chủ yếu là giá trị quỹ đất đã được bồi thường, tiền sử dụng đất đã nộp cho nhà nước, chi phí san lấp mặt bằng, chi phí xây dựng và các chi phí đầu tư cho các dự án BĐS đang triển khai lên đến gần 13.378 tỉ đồng, chiếm đến hơn 50% tổng tài sản doanh nghiệp. Đáng chú ý như dự án The EveRich2 đọng vốn hàng nghìn tỉ đồng trong thời gian dài.
Một doanh nghiệp BĐS khác cũng đang gặp khó khăn dẫn đến quyết định tái cấu trúc toàn bộ doanh nghiệp là Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán NVL). Tính đến cuối quý III/2022, khoản mục hàng tồn kho của NVL hơn 129.636 tỉ đồng, chiếm đến 50% tổng tài sản công ty. Trong đó, BĐS để bán đang xây dựng chiếm phần lớn, xấp xỉ 120.750 tỉ đồng.
Có thể thấy, việc tồn đọng hàng tồn kho cao là một trong những nguyên nhân “chôn vốn” doanh nghiệp BĐS. Do vậy, nếu giải quyết được bài toán này sẽ là tiền đề để các công ty “hồi sinh” trở lại.
Trong bối cảnh các công ty trong nước đang gặp khó khăn với dòng tiền và nguồn vốn, thì các doanh nghiệp FDI có thể trở thành những đối tác có triển vọng cho thị trường M&A BĐS trong thời gian tới.
Trong top những thương vụ M&A BĐS nổi bật trong năm 2022, nhiều thương vụ có sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI với vai trò là bên nhận chuyển nhượng. Cụ thể, Keppel Land mua lại 49% cổ phần trong 3 khu đất tại Hoài Đức, Hà Nội của Phú Long với giá 119 triệu USD; Warbung Pincus cam kết đầu tư 250 triệu USD để gia tăng quỹ đất và phát triển các dự án của Novaland; VinaCapital cam kết đầu tư 103 triệu USD vào Hưng Thịnh Land; TDC bán Dự án Galaxy 5,6ha tại Bình Dương cho Gamuda Land với giá 54 triệu USD..
Bên cạnh đó, BĐS tiếp tục đứng thứ 2 về thu hút vốn đầu tư FDI với hơn 4,45 tỉ USD trong năm 2022, chiếm hơn 16% tổng vốn đầu tư đăng ký. So với cùng kỳ năm ngoái, vốn ngoại đăng ký vào lĩnh vực BĐS tăng thêm 1,8 tỉ USD.