Mô hình công viên sân chơi cho thanh thiếu niên miễn phí
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa chấm dứt hoạt động dự án tổ hợp công viên giải trí và phụ trợ tại 151, 153 Yên Phụ. Dự án có tên thương mại là Tổ hợp vui chơi giải trí Sanrio Hello Kitty World Hanoi.
Lý do chấm dứt hoạt động dự án là nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm; đồng thời, doanh nghiệp cũng không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong 6 tháng kể từ ngày không được tiếp tục sử dụng địa điểm.
Sau khi dự án công viên Hello Kitty bị thu hồi, các kiến trúc sư tại Hà Nội đã đề xuất dự án công vui chơi mới tại khu vực này.
Theo đó, ông Trần Huy Ánh - đại diện nhóm kiến trúc sư tình nguyện - chia sẻ: Ông và cộng sự sẽ lên một dự án công viên vui chơi miễn phí tại khu vực này, để giúp người dân tại khu vực sẽ có một không gian vui chơi đúng nghĩa, miễn phí và nhiều hạng mục hấp dẫn.
Trao đổi với Lao Động, KTS Chu Kim Đức - đại diện Doanh nghiệp xã hội Think playgrounds (viết tắt TPG), người trực tiếp chắp bút vẽ bản thảo công viên mới thay thế dự án Công viên Hello Kitty tại đê Yên Phụ, cho biết: Khu vực này đông dân cư, xong lại thiếu một không gian công cộng phục vụ lợi ích của người dân. Không chỉ các em nhỏ mà cả các bạn thanh thiếu niên cũng thiếu sân chơi đúng nghĩa, thú vị và sáng tạo.
Dựa vào kinh nghiệm của bản thân, bà Chu Kim Đức đã có những gợi ý về bản phác họa khu đất công viên này.
Trong bản thiết kế, phần công viên có khu vực cây xanh với không gian yên tĩnh, có khu vực đi bộ và đi xe đạp được bố trí để dành cho tất cả người dân nói chung.
Bên cạnh đó, khu vực đỗ xe máy và xe đạp là nơi để mọi người gửi xe nhằm khuyến khích người dân quanh khu vực đến nhiều hơn là những người ở xa.
Bà Chu Kim Đức chia sẻ: “Không chỉ có không gian yên tĩnh, khu vực này sẽ là một tổ hợp đa năng với sân bóng rổ, sân đa năng làm khu vực tập nhảy, tập thể dục; có sân bóng chuyền, đá cầu, sân chơi và khu vực để làm sân khấu. Bên cạnh sân thể thao đó là địa điểm có thể bán đồ ăn và các dịch vụ giúp duy trì hoạt động của công viên” - bà Đức nói thêm.
Kêu gọi vốn xã hội hoá đến đâu, đầu tư đến đó
Theo KTS Chu Kim Đức, dự án công viên này được nhóm đề xuất với tên gọi Công viên Thắng Lợi. Đây là dự án mà TPG sẽ là đơn vị trực tiếp chủ trì và đứng ra kêu gọi đầu tư miễn phí, phi lợi nhuận.
Với gần 10 năm kinh nghiệm trong việc làm sân chơi 0 đồng tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhóm đã có những sân chơi thành công đáng kể như Công viên rừng Chương Dương ở bờ vở sông Hồng, sau đó là các sân chơi trong phố như Ngọc Hà, Tân Mai, Nhân Chính, Trung Tự và nhiều khu dân cư tại thành phố Hà Nội.
KTS Đức khẳng định, phương án Công viên do TPG đề xuất với mô hình cộng đồng chung tay xây dựng, mà vận động xã hội hóa tới đâu sẽ làm tới đó, không chờ có ngân sách của Nhà nước mới triển khai.
Theo bà Đức, sau khi công viên được hoàn thành, mô hình quản lý được giao về chính quyền và các đoàn thể của phường, phối hợp với các tổ dân phố trực tiếp quản lý.
"Chính người dân sẽ là người trực tiếp trông coi và quản lý tài sản của công viên. Khi người dân có được một công viên của riêng mình, họ sẽ có ý thức trong việc bảo vệ" - KTS Đức chia sẻ.
Bà Đức cho biết, theo khảo sát, hiện nay, quận Tây Hồ là địa bàn thiếu một công viên trung tâm dành cho người dân. Bà hi vọng sân chơi miễn phí này sẽ là điểm nhấn dành cho quận Tây Hồ, phục vụ lợi ích của người dân.
Trao đổi với Lao động, ông Lê Anh Quân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu Tư Hà Nội cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ sáng kiến của các bên về đầu tư sân chơi miễn phí cho trẻ em Hà Nội. Tuy nhiên, đề xuất này của nhóm kiến trúc sư cần thông qua Hội Kiến trúc sư Hà Nội để trình lên Sở Quy hoạch - Kiến trúc, sau đó đề xuất lên UBND thành phố.
Trao đổi phóng viên, KTS Trần Huy Ánh cho biết, Hội Kiến trúc sư Hà Nội đang có phương án đề xuất thiết kế công viên sân chơi miễn phí tại Yên Phụ, Tây Hồ lên Ban Tuyên giáo Thành uỷ. Đề xuất này sẽ được đưa vào cùng báo cáo Tổng kết "Hội Kiến trúc sư Hà Nội kiến tạo không gian công cộng góp phần định vị thương hiệu Thành phố Sáng tạo đến năm 2030 tầm nhìn 2045".