Dưới chỉ lên, trên chỉ xuống
Như thông tin Báo Lao Động đã phản ánh, hơn 1 tháng nay, tình trạng mua bán mặt đất ruộng diễn ra công khai tại các xã trên địa bàn huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Ngày 1.3, phóng viên Báo Lao Động đăng ký lịch làm việc với Chủ tịch UBND huyện Long Hồ để nắm thông tin về tình trạng này tại địa phương cũng như hướng chỉ đạo xử lý.
Tuy nhiên, Văn phòng UBND huyện Long Hồ cho biết, huyện đang rà soát hiện trạng việc cuốc, cào mặt đất ruộng tại các xã, thị trấn chưa đủ thông tin nên chưa thể cung cấp cho báo chí.
Đồng thời, Ban tiếp công dân huyện cho biết sẽ sắp lịch làm việc giữa Chủ tịch UBND huyện Long Hồ và phóng viên Báo Lao Động khi rà soát đủ các thông tin.
UBND huyện cũng giới thiệu phóng viên Báo Lao Động liên hệ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Hồ để được cung cấp trước những thông tin nào đơn vị này nắm cho đến thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, khi liên hệ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Hồ, đơn vị này thông báo, chờ ý kiến chỉ đạo của UBND huyện về hướng giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Mua bán đất mặt ruộng vẫn công khai
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, tại các xã Phú Đức, Long Phước (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), tình hình mua bán đất mặt ruộng vẫn đang diễn ra sôi động một cách công khai.
Tại ruộng, nhiều xe cuốc cào lớp đất mặt từ 10 - 20cm, cứ 1.000m2 sẽ đào đi từ 20 – 25 tấn đất tùy theo độ sâu, cạn do người bán yêu cầu. Với diện tích này người bán được từ 1,5 – 2 triệu đồng.
Từ ruộng đến khu tập kết khoảng 500 - 600 mét nhưng có gần 10 xe hoạt động liên tục từ sáng đến tận 21 - 22h.
Đa số người dân hiện tại cho rằng, bán đất mặt ruộng, hoặc muốn cải tạo ruộng lúa cho không bị tình trạng gò cao là phải bán mặt đất ruộng.
Trước đó, trao đổi với Lao Động, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, việc mua bán mặt đất ruộng được quy định tại Luật Trồng trọt.
Theo đó, tại khoản 1, khoản 2, điều 57 quy định việc quản lý phần đất mặt để sử dụng, nếu muốn chuyển sang mục đích khác hoặc muốn khai thác lớp đất mặt ruộng phải được cấp phép.
Về mặt quản lý thì giao chính quyền địa phương, cấp xã, cấp huyện sẽ xử phạt những trường hợp khai thác mặt đất ruộng nếu không được cấp phép.
Ngoài ra, hành vi bán đất mặt ruộng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lượng chất dinh dưỡng trong đất, thay đổi địa hình, địa chất; ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, sức sống của cây trồng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên đất.
Khoản 25, Điều 3, Luật Đất đai năm 2013, quy định: Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.