Trao đổi với PV Lao Động, chị Nguyễn Thị Hiền (sinh sống trên phố Vũ Tông Phan, quận Thanh Xuân) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều thương hiệu, cửa hàng trên tuyến đã liên tục rời đi, đóng cửa treo biển cho thuê hàng loạt.
"Từng là tuyến phố buôn bán sầm uất bậc nhất, thế nhưng nửa năm nay, dãy hàng quán ở đây đang treo biển sang nhượng, cho thuê mặt bằng hàng loạt. Thậm chí, nhiều chủ nhà tại đây dù đã liên tục đăng tin cho thuê mặt bằng với giá ưu đãi nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan, vắng bóng người thuê nhà" - chị Hiền nói.
Sau khi khách thuê trả mặt bằng cuối năm 2023, anh Trần Ngọc Thuận (chủ nhà trên phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng đang đăng tin trên hội nhóm mạng xã hội cho thuê mặt bằng 3 tầng, diện tích 115 m2/sàn với mức giá 60 triệu đồng/tháng.
Theo anh Thuận, khách thuê chỉ cần đóng tiền nhà, tiền cọc 1 tháng ban đầu thay vì đóng 3 tháng tiền nhà, tiền cọc như trước để giảm áp lực, gánh nặng chi phí. Tuy nhiên dù đã đưa ra mức ưu đãi nêu trên thế nhưng hơn nửa năm nay, mặt bằng kinh doanh của gia đình vẫn chưa tìm được khách thuê.
Nhận định về thực trạng này, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - cho hay, những tháng vừa qua, nhiều hộ kinh doanh, thương hiệu, nhãn hàng đã phải trả mặt bằng, tháo chạy khỏi các tuyến phố lớn ở Hà Nội.
Nguyên nhân bởi nhiều phân khúc bất động sản đang trong quá trình phục hồi. Trong khi đó, việc kinh doanh online nở rộ, sức mua sắm trực tiếp tại nhiều cửa hàng dịch vụ có xu hướng giảm.
"Nhà đầu tư và kinh doanh cần tính toán cẩn thận, nhìn rõ chỗ nào kinh doanh tốt hoặc không tốt vì xu thế bây giờ là hình thức buôn bán trực tuyến. Những khu có thể kinh doanh mặt hàng truyền thống mà không thể bán hàng trực tuyến thì cũng nên cân nhắc.
Ví dụ như ngành hàng đồ ăn là lĩnh vực khó bán online. Ngoài thưởng thức món ăn, người tiêu dùng còn có xu hướng lựa chọn không gian, vị trí đẹp để thưởng thức" - ông Điệp cho hay.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) - cho biết, gần đây nhiều mặt bằng kinh doanh ở Hà Nội đang bỏ trống là do chủ cửa hàng kinh doanh không "gánh" được các chi phí thuê mặt bằng, lương nhân viên, tiền điện, nước.
Chuyên gia này cho rằng, thời gian qua, những cửa hàng kinh doanh có thể chuyển đổi sang hình thức trực tuyến thì họ đã nhanh chóng trả mặt bằng, rút lui khỏi những tuyến phố trung tâm Hà Nội để tiết kiệm chi phí.
Điều này dẫn đến tình trạng nhiều tuyến phố trung tâm Hà Nội có hàng loạt mặt bằng bỏ trống, việc trả lại mặt bằng kinh doanh ở những tuyến phố hiện cũng khá phổ biến.