Hơn 1.000 hecta đất caosu chuyển sang xây khu đô thị
Liên quan đến tuyến bài "Cơn lốc" thâu tóm đất nông nghiệp, chạy vạy lên đời đất thổ cư", trong đó có thông tin phản ánh hàng trăm hecta caosu được chuyển đổi sang xây khu đô thị, khu dân cư mang tính thương mại. Xoay quanh vấn đề này, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã có thông tin cung cấp đến Báo Lao Động về việc hơn hơn 1.100 heta caosu được chuyển sang xây khu dân cư, khu đô thị.
Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, hiện Tập đoàn đang quản lý 14 công ty cao su tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng diện tích cao su là 148.532,54 ha. Diện tích đất trồng cao su của Tập đoàn giảm 15.276,43 ha tại thời điểm năm 2022 so với năm 2012, chủ yếu là do bàn giao đất về địa phương để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công cộng,...
"Từ năm 2015 đến nay, địa phương đã thu hồi và Tập đoàn đã bàn giao 1.128,65 hecta đất trồng cao su về địa phương thực hiện dự án khu dân cư, khu đô thị. Việc bàn giao đất về địa phương làm giảm quy mô, diện tích trồng cao su, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên nhưng tiền đền bù tài sản trên đất chưa tương xứng, không đủ để các đơn vị bị thu hồi đất chuyển đổi nghề nghiệp để duy trì năng lực sản xuất", Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết.
Chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người
Bà Hồ Thị Minh – Đại biểu Quốc hội cho rằng, vấn đề "Thâu tóm đất nông nghiệp, chạy vạy lên đời đất thổ cư" như Báo Lao Động phản ánh là một hệ lụy rất lớn khi đất nông nghiệp được biến thành đất thổ cư và chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người.
"Vấn đề này đã diễn ra như trong thời gian vừa qua là nóng, không chỉ diễn ra ở các khu đô thị mà ở nông thôn, khi người dân bán hết đất, thì người nông dân không có đất để canh tác. Nếu như chúng ta không thắt chặt vấn đề này, thì các chương trình, mục tiêu quốc gia có rót vào hàng nghìn tỉ đồng cũng không giải quyết được vấn đề phát triển ở nông thôn" - bà Minh nói.
Theo bà Minh, thời gian qua vấn đề sốt đất không chỉ ở một tỉnh, thành mà hầu như ở cả nước, không chỉ tập trung ở dự án ở đô thị mà ngay cả những vùng nông thôn. Với tình trạng này, thì xu hướng đất nông nghiệp dần mất đi và dần chuyển thành đất thổ cư. Khi sửa đổi Luật Đất đai, cần phải chú trọng vào vấn đề này, để những vùng đất dành cho sản xuất nông nghiệp thì phải nhường cho nông nghiệp.
"Còn vấn đề đất ở những khu vực mà người ta phân lô, đấu giá và làm cho nóng thị trường lên như thế thì cần phải có một cơ chế để quản lý. Các ngành cần phải phối hợp để làm thế nào đó không phải là tình trạng sốt ảo, người dân cũng không bị lừa bởi các đầu cơ, giới cò đất bất lương dẫn đến làm cho vùng nông thôn bị xáo trộn lên rất nhiều.
Do vậy, cần phải có những quy định về mặt pháp chế, tức là luật hóa cụ thể ra, trong đó có những quy định rõ đất khu vực nào thì được chuyển đổi và đất khu vực nào không được chuyển đổi" - bà Minh nói.
Trước đó, Báo Lao Động đăng loạt bài điều tra "Cơn lốc thâu tóm đất nông nghiệp, chạy vạy lên đời đất thổ cư", phản ánh tại nhiều tỉnh, thành đang diễn ra thực trạng: Nhiều doanh nghiệp, “đầu nậu” và giới “cò” đất đua nhau thâu tóm đất nông nghiệp, rồi bằng nhiều cách chuyển đổi thành đất thổ cư để phân lô, tách thửa, bán nền... Thực trạng này giống như một "cơn lốc" càn quét từ thành thị đến nhiều vùng nông thôn, gây hệ lụy khiến người nông dân mất tư liệu sản xuất, tạo nên những cơn sốt đất ảo và phá vỡ quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp.