Chị Võ Thị Hoài Thương (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, dù có nhu cầu đổi nhà từ căn 2 phòng ngủ sang 3 phòng ngủ khi gia đình con cái đã lớn nhưng nửa năm nay chị cũng không mua được nhà.
“Giá nhà các dự án mới quá cao so với tích lũy của gia đình. Muốn có căn 3 phòng ngủ ít nhất cũng phải từ 5 tỉ đồng trở lên. Mặc dù các dự án đều liên kết với ngân hàng cho vay lãi suất thấp nhưng chỉ ưu đãi năm đầu. Những năm tiếp theo, số tiền vay với lãi thả nổi, sợ không gánh được nên tôi từ bỏ ý định đổi nhà” - chị Thương nói.
Có nhu cầu vay 2 tỉ đồng để mua nhà, anh Nguyễn Đức Mạnh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) được nhân viên một ngân hàng tư vấn nhiều gói vay ưu đãi. Trong đó, anh chú ý nhất đến gói vay với lãi suất chỉ khoảng 5%/năm.
Tuy nhiên, khi đọc kỹ, anh Mạnh nhận thấy mức này chỉ áp dụng trong 1 đến 2 năm đầu, sau đó thả nổi sẽ lên khoảng 12%/năm.
Theo tìm hiểu của Lao Động, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà đất, sửa chữa nhà cửa... tại các ngân hàng đang khá thấp, không ít ngân hàng sẵn sàng cho vay mức lãi suất khoảng 5 - 6%/năm trong thời gian đầu. Đây cũng là mức lãi suất thấp nhất trong nhiều năm qua.
Chia sẻ với PV Lao Động, chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Ngọc Tú (Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho rằng, hiện lãi suất vay mua nhà tuy giảm nhưng ở bình diện chung, các ngân hàng thường cố định 1-2 năm đầu ở mức lãi suất dưới 10%, sau đó sẽ thả nổi với lãi suất huy động tiền gửi 12 tháng cộng thêm 4-5%. Đây là nguyên nhân cản trở người dân vay tiền mua nhà.
Bên cạnh đó, nhiều người lo ngại thời gian tới lãi suất huy động tăng sẽ kéo theo lãi suất cho vay bất động sản tăng mạnh, thậm chí có thể vượt xa mức 10%/năm tùy vào từng ngân hàng ở mỗi thời điểm dẫn tới rủi ro cao là người vay không trả được nợ gốc và lãi.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, ngân hàng nên mạnh dạn kéo dài thời gian cố định lãi suất từ 3-5 năm ở dưới 10% và miễn lãi phạt ở mọi thời điểm. Lãi suất thả nổi sau này cũng nên ở mức bằng lãi suất huy động 12 tháng và biên độ tối đa 4%.
Một nguyên nhân khác khiến người mua nhà không dám xuống tiền thời điểm này là do giá bất động sản vẫn ở ngưỡng cao, sản phẩm có giá trị dưới 3 tỉ đồng là ít, phần lớn đều từ 5-8 tỉ đồng với chung cư, và 7 - 20 tỉ đồng với nhà ở liền kề tại các khu đô thị. Chính vì vậy, phần lớn người dân rất khó xoay xở.
Ông Phạm Đức Toản - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản EZ (EZ Property) - cũng cho rằng, không chỉ người dân mà nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản cũng đang "ngại" vay vốn ngân hàng.
Ngân hàng đã giảm lãi suất cho cả khoản vay mới và cũ nhưng chưa quá sâu và sẽ theo lộ trình. Những nhà đầu tư có khoản vay cũ phần lớn "hết lực", không còn nguồn thu nhập khác để duy trì.
Do đó, dù lãi suất giảm nhưng họ cũng vẫn rất khó xoay xở. Trong khi, những người chưa vay ngân hàng đều thấy mức lãi suất sau ưu đãi hiện nay vẫn rất cao, nếu dùng đòn bẩy tài chính sẽ rất rủi ro.