Những căn nhà “tí hon” giữa lòng thủ đô
Ở phố cổ Hà Nội, không khó để bắt gặp những con ngõ nhỏ chỉ vừa một người đi vào, tối tăm không có nguồn sáng. Nhìn qua, nhiều người sẽ nghĩ đấy chỉ là đường đi thông giữa các ngõ, nhưng thực tế lại là nhà của hàng trăm hộ dân.
Nằm lưng chừng ở một góc cua cầu thang, không gian sống của gia đình bà Mão (trú tại ngõ 44 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có tổng diện tích 13m2, nhỏ hẹp đến mức khó tin. Tuy nhiên, đây là nơi mà cả 3 thế hệ nhà bà Mão gắn bó suốt 50 năm qua. Căn nhà chỉ đủ kê một chiếc tủ lạnh mini, giường và ban thờ. Giống nhiều hộ gia đình khác, bà Mão tận dụng lối đi chung để phơi quần áo, chứa đồ nhà bếp và gửi xe.
Chia sẻ về ngôi nhà “tí hon” của gia đình, bà Mão cho biết: "Gọi là nhà, nhưng thực chất đó chỉ là một căn phòng chứa. Diện tích chật chội, không gian bí bách nên sáng tôi phải ra ngõ ngồi, chiều tối mới về nghỉ ngơi".
Tương tự bà Mão, ông Cù Đăng Hạnh (65 tuổi, trú tại ngõ 56 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng luôn đau đầu nghĩ cách “nới” diện tích, sửa sang căn nhà rộng 15m2. Ông Hạnh cho biết, thỉnh thoảng, đường thoát nước tắc, nước thải đen ngòm ngập quá mắt cá chân. Trời mưa to là dột, nước chảy vào nhà như thác nước. Ngôi nhà xuống cấp đến mức ông Hạnh không đếm nổi số lần phải sửa chữa, trùng tu.
"Năm 2018, chính quyền địa phương sửa chữa một số không gian chung của ngõ như đổi đường dẫn nước lên đầu ngõ và đổ trần bêtông, cuộc sống người dân ổn định hơn. Riêng không gian trong nhà, hộ nào muốn trùng tu thì phải tự bỏ tiền ra sửa chữa" - ông Hạnh chia sẻ.
Ngày nắng khổ cực vì ngột ngạt, ngày mưa vật lộn với ngập úng. Cuộc sống của người dân trong những con ngõ “không có ánh sáng” trái ngược hoàn toàn với cảnh phồn hoa, hưng thịnh của phố cổ.
Phố cổ hay phố “khổ”?
Trước đây, Thành phố Hà Nội đã công bố đề án di dân phố cổ với mục tiêu giảm mật độ dân cư cũng như áp lực lên cơ sở hạ tầng tại khu vực này. Mục tiêu giãn dân đó là không những giúp cho người dân nơi đây có cuộc sống tốt hơn, chỗ ở rộng rãi, khang trang hơn, mà quan trọng là giúp bảo tồn di sản của Hà Nội.
Tuy nhiên cho đến nay, việc giãn dân phố cổ vẫn chưa thể hoàn thành. Mật độ dân cư tập trung tại phố cổ luôn trong tình trạng quá tải, đông đúc hơn so với những khu vực khác. Trong khi đó, phố cổ lại đang xuống cấp nghiêm trọng, cần phải nhanh chóng bảo tồn.
Đất chật người đông, nhưng nhiều gia đình vẫn cố bám trụ vì không đủ điều kiện kinh tế. Ông Cù Đăng Hạnh cho biết, cuộc sống của những người dân phố cổ có nhà mặt đường rất dễ dàng, một tháng có thể kiếm 20-30 triệu đồng. Nhưng với những hộ trong ngõ như gia đình ông Hạnh, kiếm đủ ăn qua ngày cũng là một điều may mắn.
"Thực tế, người dân phố cổ chủ yếu kiếm sống nhờ kinh doanh vỉa hè. Chính quyền địa phương cũng tạo thuận lợi cho dân bằng cách cho các hộ đang kinh doanh ở phố cổ đến nơi giãn dân tiếp tục được kinh doanh tại các khu vực kiốt, khu vực chợ dân sinh để đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, với hiện thực 10 quán, có đến 8 quán bán nước vỉa hè như trên phố cổ, việc chuyển đến kiốt mới và các quán nước bán liền kề nhau rất khó để kinh doanh hiệu quả" - ông Hạnh nói.
Theo ông Hạnh, phần đông người dân phố cổ luôn tìm cách để trụ lại, chấp nhận sống cuộc sống bí bách, chật hẹp vì nơi đây gắn với nguồn thu nhập của gia đình. Người dân đều mong có việc làm, thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống. Chính vì vậy, nếu bắt buộc phải rời phố cổ sang nơi ở mới thì nơi ở đó phải bố trí hợp lý, chất lượng nhà ổn định và có tiện ích thuận lợi cho cuộc sống.