Trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong năm 2022, tiến độ giải ngân đầu tư công còn chậm và kém hiệu quả. Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương - cho hay năm 2017, đầu tư công giải ngân đạt 73%, đến năm 2018 giảm xuống 66%, năm 2019 tăng lên là 67%, năm 2020 là 82%, sang năm 2021 lại giảm xuống 72% và đặc biệt 11 tháng năm 2022 mới đạt trên 53,8%.
Bước sang năm 2023, nhiều chuyên gia dự báo, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công sẽ được tập trung và đẩy mạnh.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định, từ đầu năm nay (2023) vốn đầu tư công cần giải ngân là rất lớn nên hoạt động đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công chắc chắn sẽ sớm được thực hiện.
Bởi theo ông Thịnh, nếu không đẩy mạnh và làm sớm thì kế hoạch sẽ lại chậm trễ như năm 2022 và các năm trước. Trong khi đây là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Hơn nữa trong năm 2023, số vốn đầu tư công đưa ra cũng khá cao. Khi kinh tế suy giảm thì tăng đầu tư công chính là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng.
“Để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế năm 2023, cần tiếp tục cải cách thể chế để giải ngân vốn đầu tư công được tốt hơn, đúng kế hoạch chứ không phải dồn vào cuối năm, cần giải ngân đều, nhanh trong 4 quý của năm để tăng hiệu quả hấp thụ của nền kinh tế. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần cắt giảm bớt các thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Đáng chú ý đối với thị trường địa ốc, đầu tư công được ví như “tham số” có tác động lớn đến diễn biến của kênh đầu tư này.
Một ví dụ là khi đầu tư công được đẩy mạnh, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được chú trọng triển khai, thị trường bất động sản sẽ hưởng lợi lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư, thanh khoản sản phẩm tốt, giá bất động sản tăng lên.
Và ngược lại, khi tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ì ạch, thị trường bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng nhất định.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nơi nào đầu tư công diễn ra kém, nơi đó thị trường bất động sản phát triển “yếu ớt”. Đặc biệt đối với đầu tư công vào dự án hạ tầng giao thông, yếu tố này sẽ tác động lớn đến thị trường bất động sản.
Ông Long lấy ví dụ câu chuyện của đường Vành đai 4. Ngay từ khi có chủ trương sẽ triển khai tuyến đường Vành đai 4 tại Hà Nội, giá đất tại nhiều địa phương có đường đi qua đã bắt đầu “sốt” và thị trường trở nên nhộn nhịp.
“Nếu tuyến đường Vành đai 4 giải ngân kém hiệu quả dẫn đến chậm triển khai thì sẽ có phản ứng ngược và tác động trở lại thị trường bất động sản. Cụ thể là những nhà đầu tư đã ôm, gom hàng để chờ tăng giá”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Chung quan điểm, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc đầu tư Savills Việt Nam - nhấn mạnh muốn phục hồi kinh tế và phát triển thị trường địa ốc cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giải ngân đầu tư công nằm trong hệ thống giải pháp như vậy.