Co hẹp, bí bách vì quá nhiều chung cư
Chỉ chưa đầy 3km trên trục đường Lê Quang Đạo, kéo dài từ ngã tư Đại lộ Thăng Long tới Trần Hữu Dực đang tập trung hàng loạt các công trình văn phòng lớn, tổ hợp thể thao trọng điểm của Thủ đô như trụ sở Bộ Ngoại giao, sân bóng vận động viên cấp cao, Cung Điền kinh Hà Nội, VFF, Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội, sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Cung Hữu nghị Việt - Trung...
Thế nhưng, cũng trên trục đường Lê Quang Đạo kéo dài về phía đường Trần Hữu Dực (Hà Nội) gần đây đang mọc lên rất nhiều toà cao ốc, chung cư cao tầng với mật độ dày đặc.

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, trong phạm vi ngắn đang xuất hiện hàng loạt dự án chung cư cao ốc theo trục đường như The Matrix One, Mỹ Đình Pearl, Iris Garden, chung cư Florence, Louis City Đại Mỗ, Hyatt Regency west hanoi, FLC Premier Parc... và vẫn chưa có chiều hướng dừng lại.
Thu Trang - một nhân viên công ty môi giới bất động sản - cho biết: "Tuyến đường hiện có rất nhiều dự án chung cư, bất động sản tiềm năng, thu hút những nhà đầu tư lớn".

Trông coi sân bóng trên trục đường Lê Quang Đạo kéo dài, bà H.T cho rằng, diện mạo của tuyến đường ngày càng có sự thay đổi lớn. Trước kia, khu vực này rất thoáng đãng, chủ yếu là các tổ hợp thể thao, sân bóng giải trí với nhiều bộ môn phối hợp... nhưng mấy năm gần đây thì đông đúc hơn vì xuất hiện nhiều chung cư cao tầng. Đây là khu vực luyện tập thể thao lớn của thành phố, nếu như chung cư, nhà cửa mọc san sát nhau như ở nội đô thì nhiều người dân như bà H.T lo ngại không gian vui chơi, giải trí sẽ ngày càng bị co hẹp, bí bách.
"Hiện tại, ở tổ dân phố có khoảng 340 hộ dân nhưng chỉ 64 hộ có nhà liền kề. Người dân tại đây chủ yếu sinh sống ở 4 toà nhà chung cư lớn. Việc quản lý tuy không gặp khó khăn nhưng phần lớn nhiều hộ dân thường không ở cố định, họ mua nhà và cho thuê lại là chính" - ông Dương Ngọc Máy, tổ trưởng tổ dân phố số 12, phường Mỹ Đình 1, cho hay.
Không điều chỉnh vì lợi ích nhà đầu tư
Việc lập quy hoạch đô thị, dự án thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, gắn với kế hoạch phát triển dài hạn của chính quyền địa phương và chủ đầu tư. Thế nhưng, hiện nay tại nhiều địa phương và dự án, việc điều chỉnh quy hoạch diễn ra khá nhiều, thậm chí được điều chỉnh một cách tùy tiện… Câu chuyện đường Lê Văn Lương - Tố Hữu được Thanh tra Bộ Xây dựng vạch ra nhiều vi phạm là một điểm hình đang còn nóng hổi.
Trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV mới diễn ra, ngoài đặt ra những yêu cầu cấp bách trong việc sửa đổi một số nội dung của Luật Đất đai để thiết lập một khuôn khổ pháp lý đầy đủ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, câu chuyện quy hoạch cũng được quan tâm.
Theo ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội, vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực thi sắc luật này, khi quy hoạch chung chạy theo quy hoạch các dự án cụ thể ở quy hoạch đất cấp quận, huyện vẫn chưa thực sự được giải quyết.

Theo số liệu thống kê, tỉ lệ điều chỉnh quy hoạch cục bộ các dự án của TP.Hà Nội lên tới 70%, trong khi đó tại TPHCM, tỉ lệ này cũng ở mức trên 40%. Trong đó phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hay bổ sung chức năng nhà ở theo đề xuất của chủ đầu tư.
Mới đây nhất, vào cuối tháng 1.2022, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký Quyết định số 426 về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Golden Palace A tỉ lệ 1/500 tại lô đất ký hiệu KS-VP-NO dự án Tổ hợp Mỹ Đình Pearl, trên địa bàn phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm. Diện tích lô đất điều chỉnh quy hoạch là gần 3,8ha.
Các chuyên gia cho rằng, tốc độ đô thị hóa nhanh khiến một thành phố bất kỳ phải liên tục điều chỉnh quy hoạch đô thị cho phù hợp, điều đó cho thấy công tác quy hoạch chưa thể hiện sự đi trước đón đầu, tầm nhìn xa trông rộng, gắn với kế hoạch phát triển dài hạn như ý nghĩa vốn có.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, với những quy hoạch đã tốt rồi không nên điều chỉnh. Nguyên tắc chung là hạn chế điều chỉnh, ưu tiên các tiện ích công cộng, cây xanh, môi trường thay vì chạy theo lợi nhuận của nhà đầu tư trong điều chỉnh quy hoạch.
“Với những quy hoạch đã tốt rồi không nên điều chỉnh. Tuy nhiên, cũng không nên cứng nhắc bởi quy hoạch đô thị 10-20 năm sau không phù hợp có thể điều chỉnh” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu.