Sáng 2.8, trao đổi với PV Báo Lao Động, LS Đỗ Ngân Bình - người bảo vệ quyền lợi cho bà Nguyễn Thị Hằng - cho biết, vừa nhận được quyết định số 05/2022/QD-PT về việc hoãn phiên tòa phúc thẩm và dự kiến mở lại ngày 12.8.2022.
Lý do hoãn tòa được thể hiện trong quyết định là bởi cả nguyên đơn lẫn bị đơn đều không tới dự tòa. Trong khi phía bà Hằng "có đơn xin hoãn" thì phía công ty Vũ Gia "vắng mặt không lý do".
Theo hồ sơ vụ việc, đầu năm 2022, bà Nguyễn Thị Hằng (SN 1986, trú tại Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội) được tuyển vào làm chuyên viên nhân sự tại Công ty CP Khai thác và Chế biến Khoáng sản Vũ Gia Yên Bái (huyện Yên bình, tỉnh Yên Bái); thời hạn hợp đồng đến ngày 13.02.2022; mức lương thực nhận 20 triệu đồng/tháng.
Đến ngày 2.3.2021, bà Hằng bất ngờ nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với lý do "theo phương án sử dụng lao động của Công ty CP Tập đoàn MIT".
Đây là phương án được ban hành ngày 1.3.2021. Theo phương án này, bà Hằng thuộc diện "dôi dư cần phải chấm dứt hợp đồng".
Được biết quá trình hoạt động, Công ty CP Khai thác và Chế biến Khoáng sản Vũ Gia Yên Bái đã hợp nhất, sáp nhập với Công ty CP Tập đoàn MIT và đổi tên thành Công ty TNHH MTV Khai thác và chế biến khoáng sản Vũ Gia Yên Bái (gọi tắt là Công ty Vũ Gia).
Tuy nhiên, theo bà Hằng, quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty Vũ Gia là trái pháp luật, bởi MIT và Vũ Gia vốn là 2 pháp nhân độc lập. Cho đến thời điểm bị sa thải, bà hoàn toàn là người lao động của Vũ Gia.
Sau buổi tiến hành hòa giải ngày 9.7.2021 không thành công, bà Hằng quyết định khởi kiện Công ty Vũ Gia ra tòa và đòi bồi thường tổng cộng gần 400 triệu đồng.
Tại phiên xử sơ thẩm diễn ra ngày 3.6.2022, đại diện doanh nghiệp thừa nhận Công ty Vũ Gia không có hoạt động sáp nhập hay hợp nhất theo đúng nghĩa Luật Doanh nghiệp; đồng thời thừa nhận có sai sót về mặt câu chữ nhưng khẳng định không ảnh hưởng đến bản chất vụ việc.
Tuy vậy kết thúc phiên tòa, thẩm phán Đỗ Tiến Phúc (TAND huyện Yên Bình) vẫn bác yêu cầu khởi kiện của bà Hằng.