Rất nhiều ý kiến thực tế được đưa ra từ phía người dân nhằm đóng góp vào việc xử lý sông Tô Lịch như bơm nước từ sông Hồng, xây hệ thống gom nước thải ở hai bên bờ sông, xử lý bằng hoá học, xây hệ thống gom nước thải dưới đáy sông, tức là sẽ tạo ra một sông ngầm dưới sông Tô Lịch…
Ví dụ, ý kiến của bạn đọc Hoàng Nam: “Biến sông Tô lịch thành nơi du lịch vui chơi, ẩm thực... hoàn toàn khả thi. Một là kè thẳng để mở rộng lòng sông. Hai là làm cống ngầm dưới lòng sông (công nghệ khoan ngầm) đón nước thải hai bên đưa về nơi xử lý. Ba là làm sâu lòng sông xuống 5, 7 mét (tùy theo độ dốc đầu cuối sông sao cho luôn có 5, 7 mét nước và nước không chảy mạnh). Bốn là luôn bổ sung nước theo tính toán để đảm bảo thuyền bè đi lại thuận tiện. Năm là xây mới, sửa những cây cầu cũ qua sông cho đẹp và thuận tiện. Sáu là xây dựng các phương án kinh doanh trên sông nhằm tạo công ăn việc làm và thu hồi vốn. Cần xã hội hóa đầu tư dự án, có thể lên sàn chứng khoán thu hút nguồn vốn. Dù khó mấy Hà Nội cũng nên triển khai dự án, làm một lần đến nơi đến chốn”.
Có ý kiến cho rằng: người dân đang tìm cách hiến kế và đã có những giải pháp được cho là khả thi nhưng tại sao bao nhiêu năm không làm? “Tôi thấy nói về ô nhiễm sông Tô Lịch nhiều nhưng Hà Nội làm chưa được gì. Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã đưa ra các phương án nhưng nay sắp kỷ niệm 1.010 năm rồi cũng vẫn thế”- Bạn đọc Minh Quang nhận định.
Nhiều bạn đọc đặt vấn đề, tại sao Hà Nội không đặt hàng các Giáo sư, Tiến sĩ để chọn ra một phương án tối ưu nhất để xử lý môi trường thay vì trông chờ vào các dự án của Nhật Bản.
Mới đấy, có một báo cáo của Hà Nội nêu “hiện có 80% trường đại học, viện nghiên cứu; 82% phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; 65% giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học sống ở Hà Nội, phần lớn tinh hoa cả nước đang tập trung tại đây". Thống kê cũng cho thấy, trong giai đoạn 2015-2019, tổng số công bố khoa học quốc tế của Hà Nội dẫn đầu cả nước với 15.646 công bố, cao hơn gần 2.000 công bố so TP Hồ Chí Minh.
Gần 16.000 đề tài nghiên cứu, thử hỏi có bao nhiêu đề tài nghiên cứu để đưa ra giải pháp xử lý sông Tô Lịch?
Hà Nội đang ô nhiễm, sông ngòi Hà Nội đang kêu cứu và hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người dân thì Giáo sư, Tiến sĩ của Hà Nội đang ở đâu?
Bạn có đồng quan điểm với những ý kiến trong bài viết trên? Mời bạn đọc chia sẻ ý kiến của mình trong phần bình luận. Những bình luận phù hợp sẽ được đăng tải sớm nhất.