Liên quan đến vụ việc hàng loạt xưởng keo chưa đủ thủ tục theo quy định, xây dựng trên đất nông nghiệp sát bờ sông Đà mà Báo Lao Động phản ánh, mới đây, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hòa Bình đã thông báo kết quả kiểm tra, rà soát các xưởng keo này.
Theo đó, thông tin đến PV, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hòa Bình cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, đơn vị đã tiến hành rà soát 5 xưởng chế biến gỗ trên địa bàn 4 phường, xã. Kết quả cho thấy, 4/5 xưởng chế biến gỗ đều hoạt động trái phép trên diện tích đất nông nghiệp.
Kết quả cụ thể như sau, xưởng chế biến gỗ keo của Công ty TNHH MTV Lâm Sản Hòa Phát (phường Tân Hòa) thuê đất của một cá nhân, loạt đất hoang bằng, diện tích hơn 7.900m2, không có các giấy tờ về hoạt động sản xuất được cơ quan có thẩm quyền cấp.
Với 2 cơ sở chế biến gỗ keo tại Tổ dân phố Miều (phường Trung Minh), diện tích lần lượt là 3.000m2 và 2.500m2, đều đang hoạt động trên diện tích đất nông nghiệp, đều nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án Khu đô thị mới Trung Minh A, cả 2 cơ sở đều không phối hợp làm việc.
Cũng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm Sản Hòa Phát, cơ sở chế biến gỗ keo tại Tổ 10 (phường Kỳ Sơn) đang hoạt động trên diện tích hơn 2.900m2 đất trồng lúa, không được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.
Trước những vi phạm đã được chỉ rõ, chiều 10.12, PV đã liên hệ với ông Bùi Quang Điệp - Chủ tịch UBND TP Hòa Bình, qua đó ông Điệp cho biết, Thành phố là sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định, trên quan điểm không bao che cho sai phạm.
Trước đó, Báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh về tình trạng nhiều xưởng chế biến gỗ keo trên địa bàn huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, TP Hòa Bình hoạt động trái phép, sử dụng đất sai mục đích. Điều đáng nói, thực trạng đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được xử lý triệt để.
Theo ghi nhận thực tế của PV, tại TP Hòa Bình, có 5 xưởng chế biến gỗ keo đang hoạt động, tại phường Tân Hòa (1 xưởng), phường Trung Minh (2 xưởng), phường Kỳ Sơn (1 xưởng), xã Mông Hóa (1 xưởng).
Trong đó, có tới 4/5 xưởng nằm sát bờ sông Đà (trừ xưởng thuộc xã Mông Hóa), đặc điểm chung là đều có bến thủy nội địa để xuất hàng trực tiếp từ dây chuyền xuống các tàu.
Tại huyện Tân Lạc, theo kết quả kiểm tra, rà soát của UBND huyện này, có 7 cơ sở trên địa bàn không đủ hồ sơ giấy tờ pháp lý đủ điều kiện kinh doanh, sản xuất chế biến gỗ keo.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 22.11, UBND tỉnh Hòa Bình cũng ban hành văn bản số 8886 về việc kiểm tra, rà soát và xử lý theo nội dung phản ánh của Báo Lao Động.