Về phía người dân, đi xe buýt điện đâu có mất gì, thậm chí còn được: giá vé vẫn thế, thậm chí còn được trợ giá, còn xe thì đẹp, mới và lịch sự khang trang…
Vậy thì đối với người dân, xe buýt nào cũng là xe buýt nếu xét ở góc độ di chuyển, chi phí cũng không nâng lên, yếu tố cộng thêm là góp phần bảo vệ môi trường, vun đắp để xây dựng thành phố sạch, xanh, với mục tiêu trở thành đô thị thông minh là nơi đáng sống, đáng làm việc và phát triển bền vững.
Thậm chí khi đó, người dân thành phố, còn cảm thấy tự hào vì sự sạch, xanh và thân thiện môi trường.
Thực tế hiện nay, TPHCM chưa đủ sạch, xanh và thân thiện môi trường. Chính vì thế, thành phố càng cần phải ủng hộ các mô hình hướng tới các giá trị trên một cách mạnh mẽ hơn, khẩn trương hơn.
Cần biết rằng hàng chục năm qua, giao thông đô thị là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm nhất, phát thải ô nhiễm cao nhất tại TPHCM, trong đó có sự góp phần từ khí thải của các phương tiện giao thông vận tải.
Xe buýt điện đành rằng chỉ là một phần trong công cuộc bảo vệ môi trường, nhưng cho thấy sự tiên phong trong mô hình giao thông vận tải bảo vệ môi trường trong bối cảnh người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng các phương tiện cá nhân chạy bằng năng lượng sạch và xanh.
Tuyến xe buýt điện D4 là tuyết thí điểm đầu tiên. Theo kế hoạch, TPHCM phấn đấu đến năm 2030 có từ 15-20% xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí nén CNG, động cơ điện). Có nghĩa là hơn 8 năm nữa, TPHCM mới đạt được mục tiêu trên theo dự kiến.
Phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch và ít phát thải hơn đang là xu thế, tỉ lệ xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch tại TPHCM đến năm 2030 cần được đặt ra tham vọng hơn và thúc đẩy một cách mạnh mẽ hơn trong bối cảnh TPHCM đang muốn có đột phá lớn để sớm trở thành đô thị thông minh hàng đầu Việt Nam, là nơi đáng sống, đáng làm việc và phát triển bền vững.
Cái gì mới, muốn phổ cập và phổ dụng cũng gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên với xe buýt điện, do nhà nước chủ động chứ không phụ thuộc vào sở thích, nhận thức của mỗi cá nhân người dân, cho nên lại có thuận lợi nhất định. Sự chuyển đổi từ xe buýt dùng nhiên liệu hóa thạch sang dùng nhiên liệu sạch là tất yếu. Vấn đề là cần đẩy mạnh và nhanh hơn về tiến độ trong lộ trình và mục tiêu đã đề ra.
Trong lộ trình cần được thúc đẩy mạnh và nhanh hơn như đề cập ở trên, có thể phân định các tuyến, xe chạy ở các quận khu vực trung tâm thành phố, hay những khu đô thị mới cần ưu tiên sớm chuyển đổi sang xe buýt điện so với kế hoạch hiện hữu.
Và mỗi khu vực, luồng tuyến, có thể xã hội hóa cho phép doanh nghiệp đầu tư phương tiện, trạm và đổi lại được khai thác quảng cáo và các dịch vụ khác (chứ không phải mô hình doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt như lâu nay).