Trước đó, ngày 24.6, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.
TS Hồng khẳng định, sau hơn 15 năm Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư khoá IX về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, công tác xây dựng gia đình đã đạt được nhiều kết quả tích cực đối với vấn đề xây dựng văn hóa gia đình của Việt Nam, góp phần ổn định đời sống xã hội.
Tuy nhiên, trước những tác động của môi trường số (mạng xã hội) là những tác động khách quan làm biến đổi những giá trị truyền thống của gia đình người Việt Nam, Ban Bí thư phải ban hành Chỉ thị 06-CT/TW để bổ sung những nguyên tắc và giải pháp để tiếp tục xây dựng gia đình văn hóa Việt Nam.
TS. Nguyễn Ánh Hồng cho rằng khó khăn lớn nhất chính là làm sao có những cơ chế vận hành để đưa Chỉ thị này vào trong thực tiễn đời sống đạt hiệu quả nhất, có tính khả thi cao nhất, khắc phục bệnh thành tích.
Ngoài ra vị chuyên gia này còn đưa ra một loạt khó khăn, thách thức để thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW.
"Tôi nghĩ là làm thế nào để có cơ chế kiểm soát mạng xã hội. Bởi vì chính mạng xã hội ảnh hưởng đến hành vi của mỗi cá nhân và trong gia đình người Việt Nam. Sự mất đoàn kết trong gia đình, không có quan hệ hòa hợp giữa các thế hệ giữa con cái, cha mẹ, ông bà... phần rất lớn là ảnh hưởng của mạng xã hội.
Tiếp đó là lối sống ích kỷ của trật tự xã hội mới, tức là giá trị đề cao vật chất và hạ thấp giá trị tinh thần. Nhiều người nghĩ rằng không cần phải chăm sóc bố mẹ mà chỉ cần gửi tiền cho bố mẹ, không cần phải chăm sóc ông bà vì có thể gửi ông bà đến viện dưỡng lão, chỉ cần ông bà có tiền để sống. Có người lại cho rằng bố mẹ chỉ cần cho con tiền, con muốn mua gì thì mua chứ cũng không cần phải cho con tình cảm âu yếm, sự quan tâm chăm sóc... Việc này dẫn đến sự đảo lộn về mặt trật tự, về mặt giá trị", TS. Nguyễn Ánh Hồng bày tỏ.
Theo TS Nguyễn Ánh Hồng gia đình trong xã hội Việt Nam ngày xưa là một tế bào của xã hội, mang tính cộng đồng. Gia đình Việt Nam ngày nay lại có xu hướng đề cao vai trò cá nhân. khi vai trò của cá nhân được đề cao thì sẽ làm rạn vỡ quan hệ mang tính cộng đồng và sự hy sinh, sự kết nối giữa các thành viên trong cộng đồng là không còn nữa.
TS Nguyễn Ánh Hồng cũng chỉ ra nhiều khiếm khuyết trong việc nuôi dạy con cái trong gia đình Việt Nam. Con cái không biết cách thể hiện tình cảm, nói lời xin lỗi và cám ơn đến bố mẹ, ông bà. Trường học chỉ dạy kiến thức chứ không được học kỹ năng về giao tiếp, kỹ năng về ứng xử. Đời sống tâm hồn của trẻ thơ đã bị hạn chế đi rất nhiều so với thế hệ trước.
Thậm chí, hiện tượng trẻ con ngày một ích kỷ. Một phần là vì những trò chơi của con trẻ bây giờ toàn là trò chơi điện tử, trò chơi bạo lực... Trẻ em không có điều kiện chơi những trò chơi dân gian, những trò chơi mà thể hiện tính nhân văn thể hiện cái tính sáng tạo, thể hiện tính cộng đồng, sự nhường nhịn, chia sẻ như cha ông ta trước kia. Đấy là những yếu tố sẽ ảnh hưởng rất lớn, gây khó khăn cho việc xây dựng văn hóa gia đình", TS. Hồng nói.