Giá dầu diesel tăng 3.950 đồng/lít, lên mức 25.260 đồng/lít; Dầu hoả tăng 3.940 đồng/lít lên mức 23.910 đồng/lít khiến cho các tàu đánh bắt thủy sản gặp khó khăn, trong đó có tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau.
Ông Lê Văn Lâm, ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Trung bình mỗi ngày đánh bắt cần khoảng 120 lít dầu để hoạt động. Trước đó, khi giá dầu tăng lên khoảng 21.000 đồng/lít tôi lời chút đỉnh, nhưng nay lại tiếp tục tăng cao hơn 25.000 đồng/lít, nghĩa là chi phí tăng lên cao, trong khi đó dầu lại chiếm phần lớn trong tất cả chi phí của chuyến ra khơi, với giá dầu hiện tại thì huề là mừng rồi, chứ nói gì đến lãi”.

Không riêng gì anh Lâm mà không ít ngư dân khác cũng bỏ ngỏ việc bấm bụng cho tàu cá nằm bờ một thời gian để chờ giá dầu giảm nhiệt, bởi chi phí cho chuyến đi quá cao, ngư dân gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Quốc Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết, hiện tại những tàu cá ra khơi đang chuẩn bị vào bờ. Qua nắm bắt tình hình sản lượng không tăng, giá bán cá giảm.
“Trong khi đó, giá dầu tăng, các mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng đã làm ảnh rất lớn đến người khai thác, đánh bắt hải sản ở địa phương. Nhiều ngư dân cũng cho biết đang rất khó khăn”, ông Lâm thông tin.
Ông Lâm chia sẻ, dầu tăng thì cũng đã tăng rồi, ảnh hưởng đến đánh bắt thủy sản cũng đã ảnh hưởng, ngồi than hoài không phải là cách, địa phương cho lực lượng rà soát những tàu cá gặp khó khăn. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, có chính sách hỗ trợ cho các hộ làm nghề khai thác biển để ngư dân an tâm hơn.
Cà Mau hiện có gần 4.500 tàu đánh bắt, khai thác hải sản. Tại tỉnh Bạc Liêu có trên 2.600 phương tiện đánh bắt thủy sản đang chịu áp lực lớn về giá dầu. Trong đó, tiền dầu là chi phí thường xuyên và chiếm phần lớn ở mỗi chuyến ra khơi của ngư dân.
Giá dầu liên tiếp tăng, mỗi chuyến ra khơi đều thấp thỏm lỗ vốn. Chính vì vậy, rất nhiều chủ tàu chọn phương án nằm bờ chờ giá. Chính điều này ảnh hưởng đến hàng chục ngàn lao động nghề biển tại tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu.