Thế nhưng, vấn đề không chỉ dừng lại ở clip thả 100 con dao nhọn bị cộng đồng mạng cho rằng dùng trò chơi nguy hiểm, dễ gây ra hệ lụy lớn nếu để trẻ em xem và bắt chước, đồng thời clip chả có nội dung bổ ích gì ngoài chiêu trò cố tình gây chú ý để câu views.
Mà với YouTube, câu được views là kiếm được tiền, thậm chí kiếm được bộn tiền như trường hợp Khá “bảnh” và một số “giang hồ mạng” khác trong thời gian qua.
Bị dư luận phản ứng, NTN tuyên bố sẽ “xóa kênh” bằng một clip khác, như là một sự nhìn nhận hành vi thiếu chuẩn mực và sẽ điều chỉnh, song đến cuối clip YouTuber này lại phản bác lại dư luận và cho rằng sẽ không xóa kênh, khiến dư luận càng bức xúc.
Việc xóa kênh NTN hay không, cộng đồng người xem không có thẩm quyền. Điều đó thuộc thẩm quyền của YouTube qua những đánh giá nếu NTN vi phạm các nguyên tắc cơ bản của nền tảng này một cách nghiêm trọng. Bên thứ hai có thẩm quyền xóa kênh chính là YouTuber NTN nếu tự thấy không muốn để tồn tại hay vì lí do nào đó mà ý chí muốn xóa kênh.
Tuy nhiên, dù cộng đồng người xem không có thẩm quyền xóa kênh thì cũng không thể chấp nhận được sự cợt nhả có ý xem thường của NTN. Và với clip “xóa kênh” cợt nhả nhằm trêu ngươi dư luận cũng không nằm ngoài một mục đích nữa là câu người xem, là câu views và lại kiếm được tiền.
Trước trường hợp YouTuber NTN, một YouTuber khác là Khoa Pug thực hiện một clip tại Nhật giật tít “Phụ nữ Nhật quỳ khóc xin cho cameraman được ăn” nhằm gây chú ý vì có tính tranh cãi để câu views, trong khi phụ đề trong nội dung trái với diễn biến thực tế và lời nói của nhân vật trong clip.
Kênh YouTube của Khoa Pug có khoảng 2,2 triệu lượt đăng kí theo dõi với nội dung chuyên về du lịch. Tuy nhiên YouTuber này lại thường dùng các tít giật gây chú ý, cách thể hiện gây tranh cãi qua hình ảnh nhưng nhiều khi không ăn nhập mấy với nội dung, hoặc phê phán các cơ sở du lịch… Thậm chí trong clip giật tít “Phụ nữ Nhật quỳ khóc xin cho cameraman được ăn” có tính cường điệu cho thấy thiếu tôn trong người phụ nữ Nhật phục vụ thực khách, YouTuber này còn cho thấy một sự cố tình vẽ vời các tình tiết rồi diễn giải theo cách của mình như một vụ việc nghiêm trọng để câu người xem.
Các chiêu trò câu views không chỉ có các trang thông tin điện tử tổng hợp, các Facebookers mà ngày nay nhiều người được gọi là “hot YouTuber” lại chính là những “bậc thầy” vẽ vời với các chiêu trò từ giật tít câu vies cho đến cách diễn giải, nội dung clip.v.v… chủ ý nhằm gây chú ý thu hút người xem bất chấp sự thiếu chuẩn mực về cả nghiệp vụ làm nội dung và vấn đề phạm trù đạo đức.
Tất nhiên, các “hot YouTuber” cũng có lượng người xem trung thành của mình và nhiều người trong số đó là những người trẻ, thích những thứ giật gân và rất dễ a dua theo chứ chưa đánh giá được hết các khía cạnh và chuẩn mực của vấn đề.
Tuy nhiên, dư luận chung của những người xem YouTube là không hài lòng với những chiêu trò cố tình câu views bằng cách phóng đại hay làm lệch lạc vấn đề.