Giấy cam kết không tiêm chủng do cán bộ y tế soạn sẵn
Những ngày này, về đến huyện Đắk Glong (Đắk Nông) hỏi đường về ổ dịch bạch hầu ở xã Quảng Phú, ai cũng nhắc nhở chúng tôi nên có những biện pháp phòng bệnh. Nguyên nhân bởi chính quyền sở tại mới thông tin rằng, hôm 9.7 vừa có thêm một trẻ em 10 tuổi ở xã này nhiễm bạch hầu, tức là riêng Quảng Hòa đã có tổng cộng 14 ca nhiễm bệnh.
Đến trạm kiểm soát dịch bạch hầu ở thôn 12, chúng tôi làm ''thủ tục'' để xin vào bên trong vùng có người nhiễm bệnh. Dân quân tự vệ xã phun thuốc khử trùng xe, sát khuẩn tay và Công an xã cũng không quên cấp mỗi người 2 viên kháng sinh phòng bệnh.
Trước khi vào bên trong thôn, Sùng Văn Vàng, dân quân tự vệ xã, chia sẻ rằng: ''Hai hôm nay, chúng tôi vất vả lắm, dịch dã bỗng dưng bùng phát nên phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trước đây, nhiều người trong vùng không chịu đi tiêm chủng, cán bộ y tế vận động mãi không được nên đưa giấy cam kết không tiêm chủng để họ xác nhận vào đó, gánh mọi trách nhiệm về sau. May thay, đợt dịch bạch hầu này, người dân biết sợ, đa phần chịu khó đi tiêm chủng phòng bệnh''.
Nơi này dân cư thưa thớt, nhà cửa nằm rải rác khắp núi đồi. Buổi ban chiều, bà con bận đi làm rẫy, thôn lại càng quạnh hiu. Mùa dịch dã, trẻ em vẫn tụ tập đùa vui, hết đá bóng rồi đến leo cây và tất nhiên là ''nói không'' với smartphone.
Trong bộ dạng uể oải vì nhiều ngày căng sức phòng dịch bạch hầu, ông Ma A Tú, Trưởng thôn 12 (xã Quảng Hòa) tâm sự rằng vùng này có hơn 1.800 nhân khẩu. Người dân ở đây đa số là đồng bào người Mông, Tày, Nùng..., phần lớn không biết chữ và những năm trước tỷ lệ tiêm chủng cũng cực thấp.
''Nhiều ngày qua, tôi thường mang loa kéo đến từng nhà vận động đi tiêm chủng phòng dịch. Nhưng vận động bà con dân tộc đi tiêm chủng không phải việc giản đơn, khá khó nhọc, vất vả, nói mãi mà một số người vẫn không chịu nghe. Đôi lúc bản thân tôi còn bị họ phàn nàn, không chịu tiếp'', ông Tú cho biết.
Chính quyền phản hồi ra sao?
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng trạm y tế xã Quảng Hòa - cho biết: ''Tôi đã làm ở trạm y tế xã được 10 năm. Những năm trước đây, tỉ lệ tiêm chủng của người dân trong vùng quá thấp, khoảng 40 đến 50%. Cán bộ y tế thôn đã đi đến tận nhà người dân vận động nhiều lần nhưng họ vẫn không tiêm chủng phòng bệnh.
Vì lẽ đó, nên chúng tôi phải soạn tờ cam kết không tiêm chủng mở rộng để người dân điểm chỉ hoặc ký tên xác nhận. Sau này, nếu có mắc bệnh thì họ hoàn toàn chịu tránh nhiệm. Có lúc bà con đã ký cam kết nhưng một thời gian sau, lực lượng y tế cũng đến vận động trở lại''.
Tuyệt đối không có chuyện cán bộ y tế đi đến vận động người dân nhưng họ không đi nên yêu cầu ký giấy cam kết để cho xong việc rồi về. Đôi khi, cán bộ y tế thôn hoặc xã đến vận động thì họ đồng ý đi tiêm nhưng hôm sau lại bảo rằng do quên hoặc bận việc nhà; hay có đến nhưng không tiêm được, bà Nga thông tin.
Ông Huỳnh Thanh Huynh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong - nhấn mạnh rằng: ''Giấy cam kết không tiến hành tiêm chủng chỉ phát sinh trong quá trình lực lượng y tế thực hiện nhiệm vụ chứ không phải được soạn sẵn để người dân ký vào. Mục đích của giấy này để "dọa" người dân là chính. Đơn vị không thể cưỡng chế người dân khi họ không chịu tiêm chủng mở rộng.
Lực lượng y tế chỉ có thể dùng những biện pháp mềm để vận động người dân chứ không thể cưỡng chế. Người dân có quyền từ chối dịch vụ y tế. Riêng đối với việc từ chối tiêm vắc xin phòng dịch truyền nhiễm thì khi đó mới có thể cưỡng chế, ví dụ như dịch bạch hầu''.
Trước đó, Báo Lao Động có bài viết ''Đắk Nông: Nhiều người làm giấy cam kết không tiêm phòng vắc xin cho con em'' đề cập việc ngành Y tế tỉnh Đắk Nông từng ghi nhận nhiều trường hợp người dân từng viết giấy cam kết hoặc ký vào bản cam kết không tiêm chủng vắc xin phòng bệnh (chương trình tiêm chủng quốc gia mở rộng), chấp nhận gánh mọi trách nhiệm về sau. Đại diện CDC Đắk Lắk thông tin, đó là chuyện của quá khứ, hiện, người dân ở tỉnh về cơ bản đã chấp hành tiêm chủng điều đặn.
Nhiều năm trước, tỉ lệ tiêm chủng ở tỉnh quá thấp, người dân không tham gia tiêm chủng trong độ tuổi thường xuyên nên bị lũy tích một thời gian dài dẫn đến việc trở thành vùng lõm; miễn dịch trong cộng đồng không có nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch bạch hầu hoành hành trở lại ở địa bàn tỉnh Đắk Nông.