2 vụ bé gái tự tử sau khi cãi nhau với bố mẹ xảy ra liên tiếp tại Bắc Ninh và Đồng Nai khiến nhiều bậc phụ huynh phải nhìn lại mình.
Theo thông tin trên báo chí, tối 24.8, cháu T.T.Y.N. (13 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai), không kiềm chế sau cơn cãi nhau với mẹ nên tự tử bằng cách uống thuốc diệt cỏ.
Rất may, sau gần 1 tuần điều trị tích cực tại bệnh viện, N. đã ổn định, không bị cướp đi tính mạng.
Không được may mắn như vậy, câu chuyện tại Bắc Ninh vừa qua đã trở thành thảm kịch khi cháu bé trong vụ việc đã không giữ được mạng sống của mình.
Theo đó, sau khi có chút cãi vã với mẹ, em Nguyễn Thị Hương L. (17 tuổi, ở xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) bảo ra ngoài một chút rồi về nhưng mất tích. Sau đó 5 ngày, thi thể em được tìm thấy tại khu vực sông gần nhà. Em L. được cho là đã tự tử.
Trước tiên phải khẳng định rằng, không phải vì một lần cãi nhau với bố, mẹ mà 2 em trên đã tìm đến cái chết. Đây có lẽ chỉ là “giọt nước tràn ly”, cộng với tính cách bồng bột, chưa định hình của tuổi mới lớn đã dẫn đến những câu chuyện đau lòng trên.
Như trường hợp của em N. ở Đồng Nai, theo thông tin từ báo chí, em có gia cảnh khó khăn, thường xuyên bị các bạn ở trường bắt nạt, chọc ghẹo. Còn ở nhà, N. hay bị cha mẹ la mắng và phải phụ giúp việc nhà nặng quá sức.
Tự tử là hành vi nông nổi của các em, nhưng thay vì trách các em, người lớn, mà cụ thể ở đây là bố mẹ cần phải nhìn lại mình.
Không có bố mẹ nào hoàn hảo cả, thế nhưng chúng ta có thể tạo một không khí gia đình hoàn hảo cho con khôn lớn, ngay từ khi các con còn bé, bằng cách làm bạn với con.
Làm bạn với con ở đây là hãy lắng nghe những gì con nói, con cảm nhận, không lên án. Cần hạn chế tư duy “không quản được thì cấm” đối với con. Điều đó rất dễ gây ra mầm mống mâu thuẫn, căng thẳng giữa hai bên. Hãy để con tự đưa ra lựa chọn của mình, và nếu hậu quả của lựa chọn ấy không đến mức quá lớn, nguy hiểm (đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản…), thì hãy để con nhận lấy, biến thành bài học của mình.
Đó là một số điều tôi rút ra sau khi đọc những cuốn sách dạy làm bố mẹ. Từ trải nghiệm của người từng là trẻ con, và là người hiện giờ đã là bố của trẻ con, tôi nhận thấy những lời khuyên trên rất hợp lý.
Tôi rất “dị ứng” với những câu, nhiều khi là cửa miệng của không ít bậc phụ huynh, như: “Ăn nhiều thì mẹ mới yêu”; “Con làm thế là mẹ không yêu nữa”; “Con thì biết cái gì”; “Nếu con làm điều này thì đừng nhìn mặt (bố) mẹ”…
Đấy là chưa kể đến những lời lẽ sỉ nhục nặng nề tới con khi con làm điều mà bố mẹ nghĩ là sai trái.
Những lời lẽ nặng nề như trên với con chẳng có tác dụng gì ngoài việc đẩy con ra xa với bố mẹ hơn; khép mình với bố mẹ, thậm chí trở thành “đối đầu” với bố mẹ. Hậu quả là khi gặp bất cứ điều gì khó khăn, con sẽ không nói với bố mẹ, âm thầm chịu đựng một mình và trong nhiều trường hợp đưa ra những quyết định bồng bột với hậu quả khôn lường.
Thay vì đối đầu với con, hãy trở thành đồng minh với con, là nơi con tin tưởng để có thể chia sẻ mọi chuyện (nhờ đó mà bố mẹ có thể can thiệp kịp thời nếu có điều gì đó nguy hiểm); giúp con tự nhận ra cái sai và sửa chữa.
Làm bạn với con cũng là để con hiểu rằng, dù con có gặp bất cứ chuyện gì, ở đâu, không chỉ hiện tại mà còn sau này, thì con vẫn còn một nơi mà con có thể trở về: Gia đình mình.
Tôi tin rằng nếu bố mẹ đều làm bạn được với con, một người mà con có thể chia sẻ bất cứ chuyện gì mà không sợ bị lên án, thì sẽ không bao giờ xảy ra những thảm kịch đau lòng như trên nữa. Nơi các con tìm đến phải là chính bố mẹ mình chứ không phải là cái chết!