Vậy hành vi này bị xử lý thế nào theo quy định?
Theo Điều 1 Quyết định 447/QĐ-TTg, Thủ tướng đã công bố dịch bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam. Theo đó, xác định rõ bệnh COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.
Xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ theo điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Ngoài ra, trường hợp bỏ trốn khỏi khu vực cách ly y tế dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
Nếu người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được cách ly mà trốn khỏi nơi cách ly gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự 2015.
Nếu người chưa bị xác định mắc bệnh COVID-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa mà trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật hình sự 2015.
Trường hợp trốn cách ly
Trước đó, tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam xác nhận có 12 người trốn khỏi Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng trở về nhà. Sau đó, tất cả được cách ly tại nhà và được chính quyền và y tế địa phương theo dõi.
Hay chiều 29.7, ông Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết Bộ Y tế đã công bố 2 trường hợp mắc COVID-19 tại TP.HCM là bệnh nhân (BN) 449 và BN 450.
BN 450 vào bệnh viện nuôi BN 449. Qua quá trình chăm nuôi, BN có triệu chứng nên bệnh viện lấy mẫu để xét nghiệm COVID-19.
Khi bệnh viện chưa kịp cách ly thì BN tìm cách bỏ đi khỏi bệnh viện. Khi rời khỏi bệnh viện, BN này tắt điện thoại, HCDC phải nhờ công an mới tiếp cận được.
Sau đó, BN này đã tự giác đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để điều trị. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết trường hợp BN này đi khỏi bệnh viện không phải do BN này sợ bị bệnh mà vì lý do khác “không tiện nói”...
Pháp luật Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ các chế tài từ hành chính đến hình sự để xử lý đối với cá nhân có hành vi trốn tránh cách ly y tế.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, mọi người dân nên tuân thủ khuyến cáo của các cơ quan chức năng và tuân thủ quy định của pháp luật để vừa bảo vệ sức khỏe cho mình và cho mọi người xung quang, và quan trọng hơn là không bị vi phạm pháp luật.