Tại nhiều bãi giữ xe ở TPHCM, rất nhiều xe máy được gửi nhưng suốt thời gian dài sau đó không có người tới lấy khiến không chỉ gây lãng phí tài sản, mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Vụ cháy bãi tạm giữ xe vi phạm thuộc Đội CSGT khu vực 3 (Công an Thành phố Thủ Đức, TPHCM) mới đây càng khiến nhiều người bất an.
Nhà xe sân bay Tân Sơn Nhất (do Công ty TCP làm chủ đầu tư), suốt 5 năm qua khốn khổ vì hàng trăm chiếc xe máy từ cũ tới mới nằm chất đống ngày này qua tháng khác không có chủ tới lấy về.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, thuộc Phòng Vận hành - Công ty TCP, thông tin hiện có khoảng gần 300 xe máy gửi quá hạn ở đây và con số này vẫn tăng đều theo từng năm.

Theo ông Tuấn, việc để xe quá lâu không chỉ chiếm diện tích khai thác kinh doanh của công ty, tiêu tốn lực lượng nhân viên trông giữ mà quan trọng nhất là nếu xảy ra cháy, nổ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh sân bay. Các xe này hiện được sắp xếp để riêng tại khu vực khác để đảm bảo an toàn PCCC.
Công ty TCP đã nhiều lần gửi văn bản đến công an phường, quận, UBND phường, quận và Sở Tài chính để xin hướng dẫn phương án xử lý các phương tiện gửi quá hạn nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa thể giải quyết.
Tương tự, bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) có số lượng xe “vô chủ” tại các bãi giữ xe khoảng 250 chiếc. Các xe máy này nằm ngoài trời, trong đó nhiều xe nằm chồng lên nhau, cũ kĩ, gỉ sét.

Ông Đỗ Phú Đạt - Phó Giám đốc Bến xe miền Đông, cho biết sau nhiều lần liên hệ Công an phường 26, Công an quận Bình Thạnh nhưng chưa được giải quyết, mới đây bến đã có công văn gửi Sở Tài chính và Sở Tài Nguyên – Môi trường nhờ các cơ quan này hướng dẫn quy trình thẩm định giá, bán đấu giá công khai. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể tiến hành các thủ tục để thanh lý.
Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) cũng đang có gần 200 xe máy vô thừa nhận cũng gỉ sét, hư hỏng nặng, nhiều phụ tùng xe rớt ra ngoài.
Ông Trần Văn Phương - Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây cho biết mặc dù bến đã rút hết xăng và nhớt của phương tiện, nhưng vẫn còn chất dễ cháy như nệm, bánh xe, phụ kiện nhựa. Do vậy, bến đã trích kinh phí dựng 1 nhà tạm để chứa phương tiện vô chủ. Bến xe Miền Tây hiện cũng đang đau đầu xử lý số xe “vô chủ" này.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, cho biết theo quy định, nhà xe cần thông báo số lượng phương tiện đang lưu giữ tại nhà xe với cụ thể biển số, trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Quá 3 lần thông báo mà chủ phương tiện vẫn không tới nhận, doanh nghiệp sẽ chuyển số lượng xe này về UBND hoặc công an cấp xã, phường nơi gần nhất để tiếp tục thông báo công khai cho chủ sở hữu.
Sau 1 năm, nếu vẫn không ai tới nhận thì số xe này sẽ trở thành tài sản vô chủ và chủ bãi xe sẽ trở thành chủ sở hữu. Lúc này, chủ sở hữu lúc này có quyền đem tài sản bán đấu giá, sau khi trừ đi các chi phí bảo quản, bán đấu giá, thì tiền thu được thuộc về chủ bãi xe.