Ngày 25.9, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM cho biết đang phối hợp với lực lượng chức năng để khắc phục hậu quả về vụ cây xanh bật gốc trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10) đè chết người.
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM, ngày 24.9, sau khi hay tin nạn nhân bị cây đè cấp cứu khẩn cấp tại Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5) trong tình trạng nguy kịch, không người thân, không giấy tờ tùy thân (chưa xác minh được danh tính), đại diện Công ty đã cử người túc trực hỗ trợ.
Sáng 25.9, Bệnh viện Chợ Rẫy thông báo nạn nhân đã tử vong, trên người không mang giấy tờ tùy thân.
Hiện Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM và Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM hỗ trợ và phối hợp các đơn vị để đưa nạn nhân về với gia đình.

Báo cáo về vụ việc, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM cho biết cây ngã đổ là cây dầu (mã số 108) có tán cân đối, thân thẳng, cây này đã được cắt tỉa cành theo kế hoạch duy tu trong mùa mưa vào ngày 1.8.2020.
Nguyên nhân ban đầu làm cây xanh bật gốc được xác định do mưa to, vũ lượng trên 100mm đi kèm gió lớn, gốc cây có dấu hiệu suy kiệt do không đủ đất để bám.
Trước đó, lúc 15h30 ngày 24.9, cây dầu mã số 108 bật gốc ngã ra mặt đường. Sự việc khiến 3 xe máy bị hư hỏng, 1 thanh niên bị thương nặng được đưa đi bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu (đã tử vong sáng 25.9). Cây này được trồng hàng chục năm, có chiều dài khoảng 20m, đường kính gốc khoảng 1m.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM đã cử lực lượng đến giải tỏa hiện trường.
Ai chịu trách nhiệm bồi thường?
Thông tin với PV Báo Lao động, luật sư Nguyễn Tri Đức - Công ty Luật 360 (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo quy định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự hiện hành thì “chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”. Do đó, thiệt hại tai nạn do cây xanh gãy, đổ… gây ra thì cá nhân, đơn vị chủ sở hữu, chiếm hữu, đơn vị được giao quản lý cây xanh phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Dù vậy thực tế không phải mọi trường hợp tai nạn liên quan đến cây xanh đều được bồi thường. Bởi lẽ theo Điều 156 và Điều 584 Bộ luật Dân sự hiện hành, nếu các đơn vị quản lý cây xanh đã làm mọi công tác bảo vệ chăm sóc, biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đốn hạ cây, cành hư hỏng mục rỗng nhằm loại trừ các sự cố nhưng tai nạn vẫn xảy ra bởi mưa, gió, bão làm cây xanh gãy, đổ, bật gốc… gây thiệt hại cho người đi đường thì đây được xem là sự kiện bất khả kháng, vì vậy đơn vị quản lý cây xanh hoặc sẽ không phải bồi thường.
Ý KIẾN CỦA BẠN ĐỌC (1)