Việc bán hàng rong đầy rẫy trước cổng trường, cổng bệnh viện không bị kiểm soát, không ai quản lý chất lượng hàng hoá. Vụ bé gái 11 tuổi ở Quảng Ninh uống nhầm axit sulfuric khi mua nước trước cổng trường cuối tháng 7.2020 vẫn đang gây xôn xao dư luận. Hiện trước cổng nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn TPHCM đều bị quán hàng rong “bủa vây” buôn bán. Việc này không chỉ cản trở giao thông, mất vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Qua đó cũng cho thấy, các dịch vụ tiện ích của bệnh viện chưa được quan tâm đúng mức đáp ứng nhu cầu của người dân.
Biết đồ ăn kém vệ sinh nhưng vẫn ăn
7h sáng ngày 8.9, trước cổng chính BV Ung bướu TPHCM (đường Nơ Trang Long, phường 17, quận Bình Thạnh), giao thông bị ùn ứ, các phương tiện nhích từng chút một. Các hàng quán quần áo, nước uống, thức ăn bày bán rất nhiều trên vỉa hè và dưới lòng đường.
Cùng với đó là rất nhiều thân nhân lẫn người bệnh đứng ngay tại cổng bệnh viện để mua bán khiến giao thông ở đây thêm hỗn loạn.
Anh Nguyễn Văn Khanh (50 tuổi, người chạy xe ôm trước cổng bệnh viện) cho biết, sáng nào đoạn đường này cũng bị kẹt xe.
“Nhiều người buôn bán đứng tràn ra làn đường xe chạy, đặc biệt vào những khung giờ cao điểm các hàng quán tụ tập đông người khiến các phương tiện kẹt cứng. Tôi thấy chính quyền địa phương thường xuyên đi lập lại trật tự lòng lề đường nhưng cứ người làm nhiệm vụ đi khỏi thì người dân lại bày hàng hoá ra bán” - anh Khanh phản ánh.
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra tại BV Chợ Rẫy TPHCM (phường 12, quận 5). Trưa ngày 8.9, trước cổng số 1 (trên đường Nguyễn Chí Thanh) nhiều người bán nước, bánh mì, quán cơm... liên tục mời mua hàng. Vỉa hè dành cho người đi bộ gần như bị lấn chiếm hết. Mỗi khi xe cấp cứu chở bệnh nhân vào cổng, dù hú còi gấp rút xin đường nhưng những người bán hàng vẫn đủng đỉnh chẳng muốn dời đi. Xung quanh đó là rác thải vứt tràn lan trên vỉa hè, lòng đường, bao gồm bao tải đựng nước đá, ống hút, ly nhựa, bao bì nylon, hộp xốp... từ các hàng quán vây quanh cổng bệnh viện.
Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường còn diễn biến phức tạp ở một số bệnh viện khác như Bệnh viện Nhân dân 115 (quận 10), BV Từ Dũ (quận 1), BV ĐH Y dược (đường Hồng Bàng), Chấn thương chỉnh hình TPHCM (đường Trần Hưng Đạo), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (đường Võ Văn Kiệt, quận 5)...
Theo quan sát của phóng viên, các hàng quán vỉa hè trước cổng BV Chợ Rẫy, BV Ung Bướu TPHCM và nhiều BV khác, người bán đều không dùng bao tay khi chế biến, thậm chí chỉ có một xô nước nhỏ dùng để vệ sinh vật dụng như bát, đũa, dụng cụ chế biến... Tất cả chỉ được rửa sơ qua 1-2 lần cùng một xô nước ấy.
Trước khi được bày biện lên kệ bán, thực phẩm được đựng trong thùng xốp cũ kỹ. Anh Mai Văn Minh (45 tuổi, quê Đồng Tháp) - chồng của một bệnh nhân đang điều trị tại BV Chợ Rẫy - chia sẻ: “Mặc dù biết rằng đồ ăn đa số kém vệ sinh, thực phẩm không đảm bảo nhưng giờ không ăn ở đây thì biết ăn ở đâu, những quán này lại gần bệnh viện, tiện lợi tới lui, không phải chạy đi xa”.
Ghi nhận thực tế bên trong BV Chợ Rẫy có căn-tin phục vụ đồ ăn và nước uống cho người dân. Khảo sát giá bán cơm từ 29.000 -39.000 đồng/suất tương đương với giá bán cơm bên ngoài bệnh viện. Tuy nhiên căn-tin ít món ăn và khá nhỏ, công suất phục vụ chỉ khoảng 20 - 30 người cùng lúc. Trong khi mỗi ngày có hàng nghìn lượt tới khám bệnh tại bệnh viện này, chưa kể là người đi chăm bệnh nhân.
Như bắt cóc bỏ đĩa
Ông Lâm Tắc Trung - Phó Chủ tịch UBND phường 12 (quận 5), khu vực BV Chợ Rẫy - cho biết, từ đầu năm đến nay, chính quyền phường đã xử phạt hành chính gần 200 triệu đồng đối với những người điều khiển ôtô, xe máy đậu, đỗ trái phép dưới lòng đường, các hộ vi phạm trật tự đô thị, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Phường đã cử lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng chỉ như bắt cóc bỏ đĩa vì những người buôn bán hàng rong vẫn kiên trì bám trụ. Trong thời gian tới, UBND phường sẽ đẩy mạnh chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, chấn chỉnh tình trạng “quán cóc”, quầy tạp hóa “di động” mọc tràn lan để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông.
Khi phóng viên đề cập hàng rong “chiếm” cổng bệnh viện, ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM - cho hay, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nhất là khu vực trước cổng các BV là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Lẽ ra cần tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát thì một số quận, huyện lại không có phương án quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường. Thậm chí, trong thời gian qua chưa có người đứng đầu địa phương nào bị xử lý trách nhiệm vì để lòng, lề đường bị chiếm dụng. Đáng nói là công tác xử lý vi phạm ở cấp phường, xã chưa kiên quyết, khiến người dân nghi ngờ có sự bao che sai phạm từ chính quyền địa phương.
“Để cải thiện tình hình, cần phải xác định chủ tịch UBND các quận, huyện sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND TPHCM trong việc đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn do mình quản lý. Thành phố cần xem xét xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo quận, huyện không hoàn thành nhiệm vụ, để trật tự vỉa hè, lòng đường diễn biến phức tạp” - ông Nguyễn Ngọc Tường nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, thành phố có nhiều BV có cách tổ chức đồ ăn cho bệnh nhân trong căn-tin đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu như vấn đề trên được nhiều BV quan tâm thì cũng là một mặt trận đấu tranh lại tình trạng buôn bán bên ngoài BV.
“Một mặt bệnh viện bên trong phải lo cho tốt, đồng thời bên ngoài địa phương phải hỗ trợ hết mình cho BV. Ở đâu xấu, ở đâu còn lem nhem, ở đâu còn mất trật tự nhưng dứt khoát ở mặt tiền BV phải trật tự” - ông Võ Văn Hoan nói và cho biết, sẽ chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh tình trạng bát nháo trước cổng BV.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Phú - Trưởng phòng Hành chính BV Nhân dân 115 - cho biết, bệnh viện hiện nay có 4 căn-tin phục vụ cho nhu cầu của bệnh nhân và thân nhân người bệnh. Bếp ăn đặt cạnh bệnh viện, đảm bảo cung cấp trên 5.000 suất ăn/ngày cho nhân viên, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến khám và điều trị.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều người dân mua thức ăn ở phía cổng bệnh viện dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm và ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Lý do theo ông Nguyễn Ngọc Phú, có thể vì nhu cầu người dân muốn mua đa dạng món ăn, hợp khẩu vị, phù hợp túi tiền hơn mặc dù trong bệnh viện cũng có rất nhiều món ăn.
“Việc ăn thực phẩm từ các xe đẩy, xe bán hàng rong bên ngoài bệnh viện có nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Nhiều lần Bệnh viện Nhân dân 115 cùng nhờ chính quyền địa phương giải quyết tình trạng này, tránh gây mất mỹ quan trước đơn vị nhưng một thời gian đâu lại vào đấy” - ông Phú nói. Để giải quyết tình trạng này, bệnh viện sẽ ngày càng cải thiện chất lượng căn-tin để phục vụ tốt hơn nhu cầu người bệnh. Trong mùa nắng nóng này, bệnh viện bố trí thêm quạt, kê thêm bàn để người dân được ăn những bữa ăn ngon miệng, thoả mái hơn. Anh Nhàn