Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 2084/QĐ-BGDĐT về khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Cụ thể, khung kế hoạch năm học 2020-2021 như sau: Tựu trường sớm nhất vào ngày 01 tháng 9 năm 2020. Tổ chức khai giảng vào ngày 05 tháng 9 năm 2020. Kết thúc học kỳ I trước ngày 16 tháng 01 năm 2021, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25 tháng 5 năm 2021 và kết thúc năm học trước ngày 31 tháng 5 năm 2021.
Nguyên tắc xây dựng kế hoạch thời gian năm học của các của địa phương phải bảo đảm số tuần thực học: Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có ít nhất 35 tuần thực học (học kỳ I có ít nhất 18 tuần, học kỳ II có ít nhất 17 tuần);…
Như vậy, nếu tính bắt đầu học từ khai giảng 5 tháng 9 năm 2020 đến 31 tháng 05 năm 2021 là đúng 35 tuần thực học (chưa tính một tuần nghỉ Tết âm lịch).
Nhưng khi trao đổi với phóng viên chiều 29.1, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT), cho biết dịch bệnh xảy ra lần này các địa phương không bị động và lúng túng trong việc quyết định cho học sinh nghỉ học cũng như chuyển sang học trực tuyến.
Ông Thành cho rằng: “Đến thời điểm này chưa đến mức độ phải điều chỉnh” khung kế hoạch thời gian năm học hiện hành đã có 2 tuần dự phòng để có thể dùng đến khi gặp các trường hợp như thiên tai, dịch bệnh. Nhiều thầy cô băn khoăn hỏi “không biết hai tuần dự phòng là hai tuần nào”? Thực tế là khung thời gian năm học như trên không có hai tuần dự phòng nên việc thực hiện giảng dạy của thầy cô cũng có khó khăn.
Trước tình hình nhiều địa phương như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội… cho học sinh nghi học từ ngày 28.1 để phòng chống dịch bệnh là kịp thời cũng như dừng các hoạt động tham quan trải nghiệm… để đối phó với tình hình dịch bệnh bùng phát diễn biến nhanh phức tạp.
Nên thời gian học sinh đi học lại sau Tết Âm lịch (mùng 6 Âm lịch) chưa thể nói trước được do vậy các trường đã chủ động tiến hành dạy học trực tuyến ở những trường có điều kiện còn những trường chưa thực hiện được sẽ khó khăn trong thực hiện chương trình kế hoạch năm học.
Vậy nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn điều chỉnh khung thời gian năm học hoặc giảm tải chương trình để thầy cô và học sinh chủ động hơn trong việc dạy học phù hợp với tình hình theo tinh thần “ngừng đến trường không dừng việc học” mà Bộ đã chỉ đạo thực hiện thành công trong năm học 2019-2020 vừa qua.