Những ngày này, vùng đất Hướng Hóa thuộc tỉnh Quảng Trị đã bắt đầu có những cơn mưa, dù chưa lớn và kéo dài nhưng một số cầu tràn, cầu trên hầu khắp các tuyến đường nối những xã, bản vùng sâu vùng xa đều đã xảy ra tình trạng nước, đất bùn tràn về, lấp cầu cống, đường sá… gây cản trở giao thông, lưu thông.
Các thầy cô giáo và người dân ở vùng Lìa giáp biên giới với Lào phản ánh, trên tuyến đường tỉnh lộ nối các xã vùng Lìa với Quốc lộ 9, chỉ cần một trận mưa chiều thì ngay trong đêm đã xảy ra tắc đường đoạn qua cầu tràn xã Thanh; việc phải bươn bả vượt nước cho kịp giờ làm tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về nhân mạng.
Chỉ cần ngồi ở điểm cao bất kỳ đâu ở thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) cũng đều thấy bốn phía là những quả đồi bị cạo trọc, đất đỏ bazan ứa một màu như máu đang đổ khắp nơi trên các cánh rừng vậy. Đó là hậu quả của tình trạng thi công ồ ạt, chạy đua cho kịp “hạn cuối cùng” 30.10.2021 của hàng chục dự án điện gió.
Ngoại trừ những dự án điện gió tuân thủ pháp luật, tuần vừa rồi, UBND tỉnh Quảng Trị đã gọi tên 3 dự án điện gió gồm Dự án điện gió Amaccao, Dự án điện gió Tài Tâm, và Dự án điện gió Hoàng Hải – là những dự án thi công bất chấp pháp luật. UBND tỉnh Quảng Trị đã phát đi thông điệp cứng rắn và quyết liệt: Nếu các chủ đầu tư của 3 dự án này vẫn tiếp tục vi phạm pháp luật, coi thường đất đai, tài sản trên đất của người dân thì chính quyền tỉnh sẽ dừng hoạt động của dự án. Dù chưa thực sự kịp thời, nhưng được như vậy cũng là một may mắn đối với người dân và nhất là với môi trường.
Tại phiên họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị diễn ra trung tuần tháng 7.2021, ông Nguyễn Chiến Thắng – Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, đại biểu HĐND tỉnh – đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về những ảnh hưởng, hậu quả có thể có từ việc thi công điện gió, và ông đề nghị phải khẩn trương có sự đánh giá tổng thể tác động môi trường của hệ thống dự án điện gió đã, đang và sắp thi công tại huyện miền núi Hướng Hóa.
Một số chuyên gia, kỹ sư về môi trường và đất đai đã bày tỏ sự tán thành cao trước ý kiến này. Các dự án điện gió khi được thẩm định, đánh giá tác động môi trường riêng rẽ thì mức độ có thể chấp nhận được, nhưng khi nằm san sát nhau trong một bán kính không lớn thì mức độ nguy hiểm, tác động đến môi trường, sự an toàn cho cư dân trong vùng dự án rõ ràng là rất đáng quan ngại.
Đặt những lo lắng cũng như thực trạng đồi núi bị cạo trọc, san ủi khắp nơi do thi công điện gió trong hoàn cảnh các vụ sạt lở đất vừa xảy ra trong mùa mưa lũ năm trước khiến hàng chục người bị vùi lấp, tử vong tại huyện Hướng Hóa, càng thấy nỗi lo sợ phải được nhân lên nhiều lần.
UBND huyện Hướng Hóa với nhận thức sâu sắc trước những nỗi lo có cơ sở về rủi ro sạt lở đất, đã triển khai chương trình trồng cây xanh tại những nơi thi công điện gió để nhanh chóng trả lại rừng và bảo vệ đất. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, chưa thể kịp, khi mà mùa mưa đang trước mặt. Phải bắt buộc các đơn vị thi công điện gió có ngay các phương án giữ đất, bảo vệ đất tại những nơi đã cạo trọc rừng, rồi san ủi lấy mặt bằng… Đối với các dự án không tuân thủ pháp luật về đất đai và thi công, cần có ngay những chế tài nghiêm khắc nhất để ngăn chặn và xử lý.