Vừa tốt nghiệp Đại học Mở Hà Nội, chuyên ngành kế toán, chị Vũ Huyền Thảo Nguyên (22 tuổi, sống tại quận Ba Đình, Hà Nội) đã có chia sẻ thẳng thắn về chuyện lương, thưởng: "Tết vừa qua, câu hỏi tôi nghe nhiều nhất là: đi làm chưa, lương bao nhiêu".
Bởi vậy, muốn không quan tâm về chuyện tiền lương cũng khó. Nhưng hiện tại, chị Thảo Nguyên vẫn chưa có yêu cầu đi làm lương phải thật cao vì biết khả năng tới đâu nên cũng không đòi hỏi. Điều chị Nguyên quan tâm trước mắt là kinh nghiệm.
Theo chị Nguyên, có lương thì mới lo cho cuộc sống được, nhưng việc mới đi làm mà chỉ “chăm chăm vào lương, thưởng” là điều không nên.
Đồng quan điểm với chị Nguyên, chị Đặng Thị Thu Hà (22 tuổi, sống tại Đông Anh, Hà Nội) cũng nêu quan điểm rằng mới đi làm nên tạo được kết quả hoặc học hỏi được kỹ năng rồi mới tính chuyện lương sau.
Theo chị Hà: “Muốn nhanh thì phải từ từ, mình cứ đi làm ở một nơi phù hợp, học hỏi được nhiều, thì sau này cơ hội việc làm tự đến".
Làm việc tại bộ phận tuyển dụng, tổ chức và pháp chế - Công ty Cổ phần Đầu tư MED-Group, anh Nguyễn Anh Quân cho hay, việc người lao động, kể cả sinh viên mới ra trường quan tâm tới lương là điều hết sức cơ bản, xuất phát từ nhu cầu quyền lợi thực tế của mỗi người.
"Phải có tiền thì mới lo cho cuộc sống và yên tâm làm việc được. Tuy nhiên, các bạn mới ra trường thì nên đặt tiêu chí về môi trường làm việc nên hàng đầu vì nó sẽ giúp các bạn phát triển và thăng tiến tốt hơn" - anh Quân nhận định.
Trao đổi với chị Nguyễn Thị Hường - Phó Giám đốc Công ty TNHH HC Media Việt Nam - người có kinh nghiệm phỏng vấn hàng trăm cá nhân là sinh viên mới ra trường cho hay - khi đưa ra câu hỏi như “em còn thắc mắc gì không”, các ứng viên thường hỏi về chế độ đãi ngộ, mức lương, lộ trình tăng lương cũng như các phúc lợi khác theo luật lao động.
Chị Hường nhận thấy, thường thì sinh viên mới ra trường rất ít hỏi về môi trường làm việc. Dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng, chị Hường cho rằng, cử nhân ra trường mà chưa có nhiều kinh nghiệm, nếu quá đặt nặng vấn đề về lương thì cơ hội việc làm sẽ bị hạn chế.
Đương nhiên, không thể vì lấy kinh nghiệm mà “bán rẻ” sức lao động, nhưng cũng không nên có suy nghĩ “lương phải cao thì mới làm”.
Các nhà tuyển dụng luôn ưu tiên các ứng viên có chí tiến thủ, năng lượng, thái độ cầu thị, ham học. Lương có thể tăng dần dần, nhưng thái độ không tốt thì rất khó làm việc.
Tiêu chí làm việc của giới trẻ hiện nay thế nào? Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm về Email của toà soạn: toasoan@laodong.com.vn.