Đã từng có những giao dịch khó hiểu kiểu như mua móng trâu, lá điều với giá cao ngất trời với sự tham gia của các thương lái Trung Quốc. Gần đây là câu chuyện gỗ sưa, cây cảnh và đặc biệt là lan đột biến tạo thành những cơn sóng. Dường như tất cả đều chung một kịch bản.
Tìm mồi
Đầu tiên là phải tìm những miếng mồi ở dạng độc, lạ, có số lượng hạn chế nhưng không quá khó kiếm, thậm chí khó hiểu như móng trâu, lá điều, rễ sim... Gần đây là gỗ sưa, cây cảnh, hoa lan đột biến.
Đặc điểm của những loại mặt hàng này là có khả năng thu mua số lượng lớn, chủ yếu hàng nông sản, đủ hiếm, hữu hạn để tạo kích thích tò mò. Đặc biệt, giá trị sử dụng khó chứng minh và ít áp dụng vào thực tế.
Săn lùng
Sau khi xác định được "mồi", các đối tượng (trước đây là các thương lái Trung Quốc) qua nhiều kênh thông tin, tìm mua, thu gom, manh nha tạo ra một thị trường mới. Để thu hút, các đối tượng này thường thu mua với giá cao bất ngờ, nhất là với những mặt hàng tưởng như vô dụng hoặc giá trị thấp.
Quảng bá
Trong lúc thu mua, các đối tượng này tổ chức quảng bá rầm rộ, hoặc qua kênh "rỉ tai" về giá trị thật của mặt hàng. Ví dụ, thu mua đỉa chữa... ung thư. Thu mua gỗ sưa đỏ để làm tượng hoặc quan tài.
Gần đây, các đối tượng này dùng mạng xã hội để quảng bá (PR) cho các sản phẩm "mồi". Cao hơn là những công dụng, giá trị mang tính tinh thần, thần bí hoặc "độc nhất vô nhị" như "lan đột biến".
Bán ra với giá trên trời
Khi đã có một lượng hàng nhất định trong tay, dùng các chiêu PR về tính "độc, lạ" của mặt hàng. Các đối tượng này quyết định tạo ra thị trường bằng cách mở bán mặt hàng và ngay lập tức có khách hàng mua với giá "trên trời". Ví dụ một cân sưa đỏ có giá tới 5-6 triệu đồng, một cây bonsai có giá hàng trăm tỉ đồng hoặc một nhánh lan đột biến có giá hàng chục tỉ.
Các phiên "bán - mua" này được livestream trên mạng xã hội, có người mua thật, tiền mặt xếp hàng đống. Thực tế người mua không được kiểm chứng, chủ yếu là "chân rết", "cò mồi" của các đối tượng trên nhằm tạo tâm lý về một thị trường có thật.
Đẩy cơn sốt lên đỉnh điểm
Khi đã tạo được cơn sốt, các đối tượng đưa ra sự "khan hiếm giả tạo" nhằm kích thích nhiều người đầu tư. Chủ yếu săn lùng để mua đi bán lại nhằm hưởng phần chênh lệch. Một mặt các đối tượng liên tục tung tin tìm mua với giá cao không tưởng.
Tung đòn quyết định
Khi cơn sốt hàng đã lên mức đỉnh điểm, bằng nhiều kênh, các đối tượng bắt đầu dùng "chân rết" liên tục "xả hàng" tất nhiên là với mức giá cũng rất cao (nhưng thấp hơn so với đỉnh thị trường).
Đây chính là lúc dụ lòng tham của những người thích đầu tư.
Biệt tích
Khi tìm được khách hàng, các đối tượng "xả hàng". Tất nhiên, giá trị hàng lần này cao gấp nhiều lần, thậm chí hàng trăm, hàng ngàn lần giá mua ban đầu.
Sau khi đã xả được một khối lượng hàng nhất định, các đối tượng này biệt tăm biệt tích để lại cho người trót ôm hàng chờ bán ngậm "trái đắng".
Đoạn kết
Đây là kịch bản không hề mới, xuất phát từ chiêu trò thu mua, thổi giá, bán kiếm lời rồi biệt tích đã được các thương lái thực hiện nhiều năm trước gây ra nhiều hệ luỵ trước đây bây giờ lặp lại.
Điển hình như mấy gốc sưa ở thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) từng được định giá trăm tỉ đồng nhưng hiện giờ không ai mua. Hay phong trào săn lùng cây cảnh trăm tỷ ở Nam Định, Ninh Bình từng đồn thổi có cây trị giá hàng trăm tỉ đồng đang để lại "trái đắng" với nông dân tại các địa phương này.
Với "hoa lan đột biến", kịch bản không có gì mới nhưng đang tạo ra cơn sốt tiền tỉ. Loại trừ vấn đề câu "like" trên mạng xã hội hay chiêu trò "rửa tiền" thì rõ ràng, nhiều người đang tự đưa mình vào cái bẫy của lòng tham.